Huyện ủy Đức Linh cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt sâu kỹ nội dung của Nghị quyết số 09 đến cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên; xác định được phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực phát triển kinh tế – xã hội, từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện và tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Qua 2 năm triển khai, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành trong tỉnh; huyện Đức Linh triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh đạt kết quả khá toàn diện, trong đó ngành công nghiệp huyện phát triển khá. Đến nay, Đức Linh đã quy hoạch và hình thành 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 278 ha; thu hút được 46 cơ sở, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh ngành nghề chế biến gỗ, gỗ công nghiệp, các sản phẩm từ nhựa, may mặc, giày da, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng… Với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 107,12/202,16 ha tổng diện tích đất công nghiệp của các cụm, đạt tỷ lệ lấp đầy 53%.
Từ đó, quy mô, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng trưởng khá (năm 2022 đạt 3.909 tỷ đồng), năm 2023 tăng lên 4.234 tỷ đồng. Cơ cấu giá trị tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chiếm khoảng 94% so với công nghiệp khai thác. Công tác đầu tư hạ tầng cơ sở các cụm công nghiệp, chủ đầu tư có tập trung, đến nay các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đang thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào địa bàn huyện. Huyện đã đưa vào quy hoạch cho giai đoạn tới cụm công nghiệp Tân Hà 70 ha, cụm công nghiệp Tân Hà 2 là 16 ha.
Để Nghị quyết 09 tiếp tục đi vào cuộc sống, Huyện ủy Đức Linh đã đề ra giải pháp phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh của huyện. Trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển công nghiệp ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đổi mới nhận thức về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Trung ương, của tỉnh; quan tâm đến vấn đề cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn xã Đông Hà; phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp sớm triển khai dự án đi vào hoạt động.
Song song đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Khai thác, phát triển thị trường; hỗ trợ tích cực cho phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống. Tập trung đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển; phấn đấu thực hiện đạt các sản phẩm chủ yếu đề ra hàng năm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển công nghiệp và kêu gọi thu hút nhà đầu tư có năng lực đầu tư phát triển mới các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.