Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp lần thứ chín Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (IUU) diễn ra trực tiếp vào chiều 5/2 tại tỉnh Kiên Giang.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh ven biển. Tại đầu cầu UBND tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan và thành viên Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, đại diện một số doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hội nghị cũng được kết nối đến các huyện, thị, thành phố liên quan.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC, cả nước vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đến nay cả nước vẫn có 17 tàu/190 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, nhiều nhất tại tỉnh Kiên Giang (6/11 tàu, chiếm 54,54%). Trong đó, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 64 tàu/550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Công tác quản lý đội tàu chưa đảm bảo theo quy định; theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá tại một số địa phương chưa đồng bộ. Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, với gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản nhiều địa phương không đảm bảo theo quy định…
Riêng tại Bình Thuận, trong năm 2023 và tháng 1/2024, các đơn vị chức năng và địa phương vùng biển đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Chi cục Thủy sản đã xử lý 378 vụ với các hành vi vi phạm như sử dụng tàu cá không đăng ký, không đăng ký lại; không có chứng chỉ thuyền/máy trưởng. Thực hiện nghiêm việc tổng rà soát, thống kê tàu cá hiện có…Tuy vậy, UBND tỉnh đánh giá tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, cần tập trung triển khai mọi biện pháp để ngăn chặn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã phát biểu ý kiến, chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan trong thời gian tới. Trong đó, một số ý kiến đề nghị trong thời gian tới cần tính toán để giảm nợ, giãn nợ để giảm áp lực kinh tế cho các chủ tàu. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng với sự nỗ lực của các ban, Bộ, ngành, địa phương, công tác chống khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực. Đồng thời nhấn mạnh còn 3 tháng nữa, Đoàn Thanh tra của EC sẽ thanh tra lần thứ 5 và đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng”, do đó cần phải tổng lực, cao điểm của cao điểm trong chống khai thác IUU. Phó Thủ tướng đề nghị từ nay đến ngày thanh tra, phải cố gắng không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không có ngoại lệ; ưu tiên bố trí lực lượng, nguồn lực để triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng quản lý tốt tàu nhổ neo; kiểm soát tàu vượt biên, nhất là tập trung vùng biển phía ngoài tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Bộ Công an thúc đẩy điều tra để đưa ra xét xử, khởi tố các hành vi tổ chức, môi giới việc xuất cảnh trái phép; làm giả giấy tờ cơ quan Nhà nước của tổ chức và cá nhân nhằm hợp thức hóa hồ sơ sản phẩm thủy sản vi phạm khai thác IUU xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đối với các địa phương vùng biển cần thực hiện công tác chống khai thác IUU với tinh thần quyết liệt hơn; tranh thủ dịp các tàu cá, ngư dân về nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân; kiểm soát và quản lý đội tàu trên địa bàn.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm tốt công tác trên mặt trận ngoại giao; tăng cường chuyển đổi nghề cá theo hướng bền vững. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tính toán phương án khai thác thủy sản bền vững; đổi mới tuyên truyền một cách căn cơ, bài bản, lâu dài, không chỉ động viên chia sẻ mà phải tuyên truyền về thể chế và các quy định pháp luật nếu xảy ra vi phạm cho thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân nắm, biết.