Những chiều cuối năm luôn là những chiều chộn rộn nhất. Không tin thì cứ ghé qua mấy hàng tạp hóa mà xem.
Bánh mứt bày tràn ra cả hiên quán. Bánh kẹo đựng trong những thùng carton to, đủ thứ loại cho khách tùy ý lựa chọn. Có bánh kẹo trong nước, có bánh kẹo nhập về nữa. Ngoài bánh kẹo còn có cả trái cây sấy dẻo, rồi các loại hạt cao cấp. Giá tiền ghi rõ trên từng món, khách cứ xem thoải mái, nhắm nhắm túi tiền của mình mà mua thôi. Người ta đã gói cộ sẵn, đẹp mắt, lại tiện lợi khỏi phải mất công mua về rồi chẳng biết bày biện làm cộ thế nào. Thời giờ thứ gì cũng có, quan trọng có tiền hay không. Cứ ra quán, lựa cái nào ưng ý, về đơm bàn thờ là xong. Nhanh, gọn, lẹ. Lại đẹp. Mình gói chắc gì đẹp bằng người ta gói. Ngay cả giấy vàng mã để cúng, người bán cũng ngồi chăm chút gấp sao cho đẹp mắt, nào là đài sen, nào là đuôi phượng… cứ lựa theo ý thích về đơm bàn thờ chẳng cần tốn công suy nghĩ nên bày biện sao cho đẹp đây. Thành ra giờ cái công đoạn dọn dẹp, đơm bàn thờ đơn giản hơn hồi xưa rất nhiều. Bận rộn ha, không sao hết, chỉ cần dành ra một ngày dọn nhà, rồi tối chạy vù ra quán, lựa cái nào hợp ý, đem về đơm lên bàn thờ là xong. Tới cận tết, mua thêm dĩa trái cây, thêm bình bông nữa là đủ đầy. Chị em phụ nữ thở phào, may mà có hàng quán chứ không là mệt mỏi rồi!.
Bởi vậy, chiều nào quán cũng đông đúc người mua. Người thì lựa bánh, kẹo, người lựa cộ đơm, mấy bà lớn tuổi thì kỹ càng lựa khăn trải bàn thờ. Ờ, tết nhất mà, phải thay cái khăn mới cho nó rực rỡ, sạch đẹp để đón ông bà về ăn tết. Rồi thì phải đánh bóng lại bộ lư hương cho sáng. Bàn thờ sang hay không là nhờ bộ lư hương đồng đó. Đâu phải nhà ai cũng có được món này trên bàn thờ. Nó như vật gia bảo của gia đình, truyền từ đời này qua đời khác. Quý là ở chỗ đó chứ không phải giá tiền bao nhiêu.
Tôi thích lang thang phố xá những chiều cuối năm chỉ để hít hà cái không khí tấp nập, chỉ để nhìn cho no mắt cái màu sặc sỡ của giấy gói quà. Đâu dễ gì tìm được những thứ này ngày thường. Mà chỉ rộn ràng vài ba ngày thôi chứ không kéo dài, chừng độ một tuần thôi. Nên tranh thủ lòng vòng xem, nghe cho thỏa thích. Không phải là rảnh không có việc gì làm, chỉ tại cái tính kỳ thích ghi nhớ lại những cảnh sắc đặc biệt để mốt có tuổi nhìn lại trí nhớ mình rồi tự thốt lên: À, hồi đó tết như vầy, như vầy nè…
Chắc có lẽ do mình là kẻ sống nội tâm nhiều nên hay nhớ về những ngày cũ. Thói quen này cũng có cái hay. Thiệt, như giờ đem cái tết hồi còn bé xíu ra so sánh mới thấy sự khác biệt nhau một trời một vực. Hồi xưa bánh kẹo đâu bày la liệt, đủ loại, đủ màu như giờ đâu. Chỉ được dăm ba loại kẹo cứng (thứ giờ cho con nít nó chê hổng thèm lấy), rồi chút mứt dừa, mứt bí tự làm, chút bánh thửng, bánh kẹp tự đổ. Hết. Vậy thôi. Vậy là có điều kiện nhen, chứ mà nghèo nghèo thì nhiêu đó cũng không có đủ. Chỉ có vậy mà tụi con nít mong cả năm để được ăn tết, nhất là những ngày cuối năm vầy, chẳng còn tâm trạng nào học hành, chữ chẳng vào được tới đầu, gặp nhau chỉ để bàn tán về tết nhất, bánh kẹo nào ngon, tiền lì xì được nhiêu, sẽ mua gì sau tết, rồi má đã mua đồ mới chưa (dù đồ mới là bộ đồng phục đi học, vừa có đồ mới mặc tết vừa có đồ đi học). Rộn ràng còn hơn người lớn nữa. Bây giờ thì tụi con nít cũng còn mong tết chứ, nhưng không phải để được ăn kẹo bánh hay được mặc đồ mới mà chỉ là vì được nghỉ học, được đi du lịch, được lì xì nhiều tiền…
Đó, nhớ lại cái tết hồi xưa, đem ra so sánh với cái tết bây giờ, thấy sao mà khác dữ thần, rồi chợt giật mình thời gian trôi nhanh quá. Bây giờ đem kể cho mấy đứa con nghe tụi nó cũng đâu hình dung ra được. Cho nên cứ thích rong ruổi nhìn ngắm tết về là vậy đó, biết đâu mấy chục năm nữa khi mình già chẳng còn có tết nữa, hoặc còn mà tết người ta kéo nhau đi du lịch thôi chứ chẳng bày biện cúng kính chi cho mệt. Mỗi thời mỗi khác mà, nên cái còn lại trong ký ức là thứ đẹp đẽ, quý giá lắm. Nhớ để biết thương những năm tháng mình đã đi qua. Nhớ để nhắc mình luôn phải biết quý trọng từng phút giây trong đời, có đó rồi mất đó, thứ gì đã qua không bao giờ trở lại được. Vậy nên phải trân trọng những phút giây hiện tại mình đang có. Thấy bình thường vậy đó mà tới hồi mất đi muốn quay lại nào có được đâu.
Nên cuối năm nào cũng rong ruổi khắp ngả đường xem bánh mứt. Chỉ xem thôi, rồi hít hà cái hương vị tết. Mấy ngày này phố rực rỡ nhất, màu sắc nhất. Và cái hương bánh mứt, chao ôi, thơm mãi từ hồi còn bé tới giờ vẫn vẹn nguyên…