Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đó là kết quả từ sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân trong công tác phòng, chống tham nhũng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều cán bộ, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng…
Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xem công tác phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì. Các văn bản chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; mạnh dạn, kiên quyết trong triển khai thực hiện để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân. Cùng với việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành quy định để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước… Do vậy công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng ở một số ngành, địa phương, chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp. Một số nơi vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng…
“Kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí…”.
– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, điều đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định là những người làm công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, không chịu bất cứ sức ép nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào… Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, nhằm khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Khẳng định rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu. Kịp thời thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng. Xử lý nghiêm từ trên xuống dưới. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Phát huy vai trò các cơ quan báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng. Huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…