Chưa khi nào trách nhiệm công vụ được nhắc nhiều như trong năm 2023, bởi hiện tượng cán bộ “sợ trách nhiệm”, hay còn đó những tiêu cực cần phải loại bỏ, để xây dựng nền công vụ vì nhân dân phục vụ.
Phát biểu trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cuối năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ: “Dân bây giờ đụng chuyện là nghĩ ngay đến việc mình có quen với ai không. Tư duy đó là chết rồi, nó phản ánh tiêu cực xã hội. Lẽ ra dân khó là phải nghĩ ngay đến chính quyền, nghĩ ngay đến ủy ban, đến pháp luật”. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay, hiện có tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.
Tại Bình Thuận, trách nhiệm thực thi công vụ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp cũng được Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhắc đến nhiều trong các cuộc họp, văn bản chỉ đạo điều hành đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ trong các sở ngành, địa phương tỉnh nhà. Lãnh đạo tỉnh xác định những tồn tại khi khẳng định có một bộ phận cán bộ sợ sai, không dám làm, làm chưa hết lòng, thờ ơ trước những khó khăn vất vả của người dân, doanh nghiệp. Điều ấy đã dẫn đến công việc bị đình trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh và lòng tin của nhân dân vào cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính Nhà nước, mà xa hơn là niềm tin, uy tín vào sự lãnh đạo của Đảng.
Câu chuyện về cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, hạch sách nhũng nhiễu, vòi vĩnh dẫn đến ì ạch trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp không phải là mới. Nhưng chưa khi nào tâm lý này lại trở thành “hiện tượng” xuất hiện nhiều, có yếu tố lan rộng từ Trung ương đến địa phương và trong nhiều ngành lĩnh vực như hiện nay. Ngoài những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, thì cũng có cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Đây là nhận thức, suy nghĩ lệch lạc và không phải nói là suy thoái về tư tưởng chính trị đối với người thực thi công vụ.
Thực tế, hiện tượng trên có xuất phát một phần từ công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mà Đảng ta đang quyết tâm thực hiện. Trong chỉnh đốn ấy, có công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, với hàng loạt cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương bị bắt liên quan đến tham nhũng. Lâu nay ít nhiều trong cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy Nhà nước tồn tại một suy nghĩ là làm việc ngoài hưởng lương ra thì phải có thêm khoản “lậu”, phần trăm, bồi dưỡng trong giải quyết công việc. Do đó dù công việc có khó, hay do các quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, cũng nỗ lực tháo gỡ hay lợi dụng kẽ hở, thậm chí bất chấp sai sót vì lợi ích nhóm… Giờ đây khi công cuộc phòng chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến lợi ích không còn hay ít đi, thì không ít cán bộ, công chức, viên chức lại sợ sai, sợ trách nhiệm. Suy nghĩ tiêu cực này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc, bởi lãnh đạo thì tăng tốc quyết liệt còn cán bộ cấp dưới có khi “bình chân như vại”.
Nguyên nhân thực trạng trên cũng xuất phát từ yếu tố khách quan khi hiện nay thể chế, chính sách và các quy định của chúng ta còn chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp thực tiễn, dẫn đến trong thực thi công vụ người đảm nhiệm công việc gặp không ít rào cản, vướng mắc, dẫn đến không thể, chậm trễ hoặc đùn đẩy. Trong số này phải kể đến các lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài chính ngân sách, đầu tư công…
Để giải quyết thực trạng “cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, cũng như rà soát bãi bỏ những quy định không phù hợp, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong đó khuyến khích mạnh dạn đề xuất đổi mới, tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định được xem là “liều thuốc” để chữa căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, trong đó có việc cán bộ làm vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, nếu có sai sót có thể không bị xử lý trách nhiệm và sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cán bộ. Song song với các chính sách trên, việc thực hiện chính sách về cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức áp dụng từ ngày 1/7/2024, cũng được xem là “đòn bẩy” để thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác và tinh thần đóng góp, cống hiến của cán bộ để tương xứng với mức lương thụ hưởng…
Có thể thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những chủ thể tiến hành các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước do nhân dân ủy thác. Đây là hạt nhân và là yếu tố bảo đảm cho nền công vụ được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó hết lòng phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Cán bộ làm vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, nếu có sai sót có thể không bị xử lý trách nhiệm và sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cán bộ.