Ông Nguyễn Cạn ở khu phố 5, phường Phước Hội, thị xã La Gi đã gắn bó với nghề làm bánh cốm truyền thống hơn 50 năm
Đối với người Việt Nam thì bánh mứt là những thứ không thể thiếu được trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm hòa quyện cùng mùi thơm lừng của mứt gừng, mứt dẻo, bánh in, bánh cốm… càng làm cho không khí hân hoan, hứng khởi chào đón năm mới thêm ấm cúng và tràn đầy dư vị.
Có thể nói càng ngày thị trường càng xuất hiện nhiều loại bánh mứt phong phú và đa dạng thế nhưng bánh cốm truyền thống vẫn có riêng một vị trí đặc biệt trong lòng người dân thị xã La Gi nói riêng và cả nước nói chung, nhất là đối với những người con xa quê, hiện đang sinh sống ở nước ngoài, bánh cốm như một món ăn mang đậm “dấu ấn” khó phai đối với những ai đã từng thưởng thức, chính vì thế chỉ khi có bánh cốm ta mới cảm nhận hết được cái hương vị nồng nàn ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Ông Nguyễn Cạn phấn khởi chia sẻ: “Tháng chạp năm nào cũng vậy, gia đình tôi gồm có 5 người phải tất bật từ sáng đến tối để làm bánh cốm, trong vòng 1 tháng gia đình chúng tôi làm được khoảng 5.000 hộc bánh cốm, không chỉ phục vụ thị trường trong nước, bánh cốm của gia đình chúng tôi còn được gửi đi nước ngoài rất nhiều để những người con xa quê có thể thưởng thức hương vị truyền thống đậm đà của món bánh cốm quê hương”.
Bánh cốm luôn hiện hữu, không thể thiếu trong dịp tết, điều này được minh chứng khá rõ là dù cho ở bất kỳ thời đại nào thì chiếc bánh cốm truyền thống vẫn không thể thiếu được để cúng ông bà, tổ tiên hoặc để chiêu đãi bạn bè, khách khứa mỗi dịp tết đến xuân về. Và làm bánh cốm hoàn toàn theo phương pháp thủ công như gia đình ông Nguyễn Cạn thì ngày xuân lại càng trở nên giàu ý vị hơn. Được tận mắt chứng kiến cảnh làm bánh cốm, ta có cảm giác không khí tết đã dần len lỏi khắp các ngôi nhà, ngõ phố, làm cho lòng người nao nao đến lạ thường!
Để làm ra được loại bánh cốm thơm ngon hoàn toàn bằng phương pháp thủ công thì không hề dễ dàng, đòi hỏi người làm phải tuân thủ, đảm bảo thời gian của nhiều công đoạn… Từ khâu chọn nguyên liệu, sên đường cho đến khâu đóng bánh, gói bánh…
Theo như ông Nguyễn Cạn chia sẻ thì bánh cốm muốn ngon trước tiên là phải chọn nguyên liệu thật kỹ lưỡng, việc đầu tiên là phải lựa chọn nếp bầu thật ngon. Bí quyết thứ hai là khâu sên đường. Đường cát trắng được đun sôi nhỏ lửa, sên cùng với thơm và gừng trong một thời gian khá lâu khiến ai đứng gần đều cảm nhận được mùi thơm ngọt ngào, khó cưỡng. Học bánh cốm nhỏ có giá 10.000 đồng, học bánh trung có giá 25.000 đồng và học bánh cốm lớn có giá 30.000 đồng.
Có thể nói món bánh cốm truyền thống là một món bánh dân dã, mộc mạc nhưng lại nồng nàn hương vị xuân. Không có bánh cốm thì ngày xuân sẽ mất đi “cái hồn” của nét truyền thống. Nhìn những bếp lửa đang rực cháy, những đôi tay thoăn thoắt đang gói bánh cốm, tiếng cười, nói rôm rả của những người làm nghề bánh cốm, mới cảm nhận rõ rệt mùa xuân đang đến rất gần. Và hơn hết là tấm lòng của những người yêu nghề vẫn ngày ngày miệt mài tạo ra những chiếc bánh cốm thơm ngon, nồng nàn hương vị ngày xuân, để người người, nhà nhà đều được thưởng thức.