Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu thế và yêu cầu tất yếu bởi có tác động ngày càng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Đối với ngành nghề có tính cạnh tranh cao như du lịch thì công tác này càng phải chú trọng đầu tư tương xứng và triển khai kịp thời, qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy vươn lên mạnh mẽ.
Thời gian qua, ngành du lịch địa phương luôn quan tâm thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bình Thuận. Theo đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai một số nền tảng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trên lĩnh vực này: Cổng Thông tin du lịch thông minh Bình Thuận, trải nghiệm không gian du lịch thực tế ảo. Tiếp nữa là triển khai Sàn Thương mại du lịch, Hội chợ du lịch trực tuyến, sử dụng mã QR tại các điểm tham quan du lịch để du khách tra cứu thông tin về điểm du lịch qua phương thức quét mã QR. Hoặc tiến hành xây dựng số hóa 3D một số khu du lịch (Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy), đẩy mạnh quảng bá, truyền thông du lịch thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram…
Cùng với đó, hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông tại địa phương cũng tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại và nâng dần chất lượng các dịch vụ. Nhờ vậy mà thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà nói chung và phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận nói riêng. Được biết đến nay, hạ tầng mạng 3G, 4G đã phủ sóng hầu như tất cả các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, hiện có doanh nghiệp viễn thông đã triển khai lắp đặt nhiều vị trí trạm 5G phát sóng thử nghiệm tại trung tâm thành phố du lịch biển Phan Thiết và vùng phụ cận… Ngoài ra, địa phương còn tính đến phối hợp các tập đoàn lớn để triển khai những dự án du lịch thông minh, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, tiện ích thông minh phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận.
Trong quý III/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Qua đó hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế… Kế hoạch cũng đặt ra một số yêu cầu như phát triển du lịch thông minh trên cơ sở lấy khách du lịch làm trung tâm, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa… Do vậy đối với phát triển các ứng dụng, địa phương sẽ tập trung vào các nhóm: Ứng dụng hỗ trợ khách du lịch; Ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch; Ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh; Ứng dụng hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp thông minh.
Cũng trong tháng 8 vừa qua, UBND đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số tại huyện đảo Phú Quý với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện tại Phú Quý, xây dựng hình ảnh huyện đảo hiện đại, năng động và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, du khách, doanh nghiệp. Đồng thời đưa Phú Quý trở thành một điểm đến hấp dẫn cả trong nước lẫn quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng nguồn thu ngân sách của địa phương. Theo đó trong chuyển đổi số ở lĩnh vực du lịch nơi đây sẽ triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại Phú Quý. Tăng trải nghiệm, tiện ích cho du khách cũng như thu hút lượng khách đến lần đầu và quay trở lại huyện đảo các lần tiếp theo, tăng tiêu dùng của du khách…
Cùng với những lợi thế về nghỉ dưỡng cao cấp, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giao thông thuận lợi, thời tiết quanh năm nắng ráo… thì việc tích cực thực hiện chuyển đổi số sẽ góp phần tạo thêm sức cạnh tranh hút khách cho du lịch Bình Thuận. Qua đó không những nắm bắt kịp thời xu hướng mới và chủ động áp dụng công nghệ số hóa trong hoạt động du lịch, mà còn đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu cập nhật thông tin của du khách tại điểm đến “An toàn – Thân thiện – Hấp dẫn – Chất lượng”.