Từ ngày 10 đến ngày 18/10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có đợt đánh giá lần thứ 4 về việc khắc phục những khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam do một bộ phận ngư dân có hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của IUU.
Sau gần 6 năm Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU, đến nay, vẫn còn 4 nội dung mà Việt Nam cần phải đáp ứng. “Tăng tốc” gỡ “thẻ vàng” để lấy lại hình ảnh và vị thế của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế là mục tiêu được triển khai đồng bộ từ trung ương đến các địa phương. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong quy định của EC về chống khai thác IUU là điều khoản cho phép cấm nhập khẩu hoặc cập cảng đối với các quốc gia hoặc tàu cá không có hành động công khai, rõ ràng trong việc chống khai thác IUU. Sau các đợt kiểm tra của EC những lần trước đây, Việt Nam đã nỗ lực triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đó là: khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Theo đó, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là tập trung tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU. Đặc biệt, kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đồng thời điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bình Thuận là 1 trong 28 tỉnh, thành nằm dọc theo duyên hải từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang, việc kiểm tra các biện pháp ngăn chặn hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của IUU được chỉ đạo sát sao. Từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Thuận đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng biển triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý tàu cá, chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản cũng được triển khai quyết liệt, thường xuyên. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá, qua đó đã phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU, vi phạm vùng biển nước ngoài. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác phòng, chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực, đáng chú ý là tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt tỷ lệ 99,7%, quy trình quản lý, giám sát tàu cá và sản lượng qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản được quan tâm thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU.
“Thẻ vàng” IUU và thiệt hại kép đối với hải sản Việt Nam, vì vậy việc chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Việc EC áp “thẻ vàng” IUU đối với hải sản buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách chuyển dịch sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là giai đoạn “chạy nước rút” để được “gỡ thẻ vàng”. Việc gỡ “thẻ vàng” IUU ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam và được xác định là không phải để đối phó với Đoàn kiểm tra của EC mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Điều này đòi hỏi từng ngư dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của chính ngư dân.