Thời gian qua, chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã khơi dậy đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, (ĐBDTTS) ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện dân sinh kinh tế -xã hội vùng ĐBDTTS.
Vươn lên từ trao “cần câu”
Xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) là một trong các xã miền núi, vùng cao của tỉnh thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cây bắp lai. Bắp lai vẫn là cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo, đem lại thu nhập ổn định cho ĐBDTTS nơi đây. Đăng ký đầu tư ứng trước, đồng bào Rai được cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật trồng chăm sóc, tham gia các lớp hội thảo trình diễn giống mới kháng bệnh, cho năng suất cao. Đến mùa thu hoạch bắp lai được bao tiêu giá thu mua với giá ổn định. Năm 2023, xã Hàm Cần đồng bào nhận đầu tư ứng trước sản xuất ha bắp lai với tổng số tiền đầu tư 5,6 tỷ đồng. Thời tiết tương đối thuận lợi, bắp phát triển tốt, dự kiến sản lượng thu mua khoảng 4.000 tấn, một số hộ dân sẽ thu hoạch sớm bắt đầu từ giữa tháng 9. Các hộ nhận đầu tư ứng trước đều rất phấn khởi khi được tỉnh tạo điều kiện đầu tư phân giống sản xuất bởi đây là nỗi lo lớn nhất mỗi vụ sản xuất. Đến mùa thu hoạch, bắp làm ra được cửa hàng, đại lý thu mua tại chỗ, giá ổn định, sau khi trừ chi phí đem về khoản thu nhập khá, đời sống đồng bào được cải thiện.
Bắp lai đầu tư ứng trước ở Hàm Thuận Nam.
Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay Trung tâm cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư – hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất lúa nước vụ đông xuân tại các xã Phan Điền và Phan Dũng. Cùng với đó, phối hợp với các xã tổ chức cho các hộ có nhu cầu đăng ký nhận đầu tư ứng trước lúa nước, bắp lai năm 2023. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.400 hộ đăng ký nhận đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai, lúa nước với tổng diện tích là 2.469,7 ha; trong đó, bắp lai là 1.090 hộ/2.254,8 ha và lúa nước là 310 lượt hộ/214,9 ha. Trung tâm đã ký hợp đồng với 1.149 hộ/2.196,5 ha. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các công ty giống trong và ngoài tỉnh, ngành nông nghiệp các huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước tại 11 xã, thôn với trên 1.100 lượt hộ dân tham dự. Tổ chức mô hình trình diễn và Hội thảo đầu bờ giống bắp lai NK 6275 tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc).
Một góc xã miền núi Phan Sơn (Bắc Bình).
Có thể nói, chính sách đầu tư ứng trước là chính sách đặc thù và ưu việt nổi trội mà chỉ tỉnh Bình Thuận mới có. Nó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với ĐBDTTS so với 44 tỉnh, thành phố có Ban Dân tộc trên toàn quốc. Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, hiệu quả của chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp các hộ ĐBDTTS có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá trong vùng ĐBDTTS, đời sống ngày càng được nâng lên rõ rệt; từng bước góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên vùng ĐBDTTS của tỉnh. Qua thống kê giai đoạn (2016 – 2020), tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS thời điểm đầu năm 2016 là 4.250 hộ nghèo, chiếm 19,98% và 1.913 hộ cận nghèo, chiếm 8,99% thì đến cuối năm 2020 vùng ĐBDTTS còn 1.180 hộ nghèo, chiếm 4,73% và có 3.238 hộ cận nghèo, chiếm 12,98%.
ĐBDTTS Phan Sơn (Bắc Bình) canh tác giống lúa mới cho năng suất cao.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Chính sách đầu tư ứng trước không chỉ giúp các hộ đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất mà còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu trước đây. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hàng năm Trung tâm Dịch vụ và miền núi tỉnh đều phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh như Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam, Công ty giống cây trồng Nha Hố – Ninh Thuận, Công ty Nguyên Khang Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hiệu quả và cách thức diệt trừ sâu bệnh (nhất là sâu keo mùa thu) phá hoại trên cây bắp lai, lúa nước trên 1.500 lượt hộ tham dự. Cùng với đó, tổ chức từ 1 đến 2 hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn giống bắp lai mới với mục đích từng bước giúp bà con đưa giống mới vào sản xuất tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cao trong những vụ tiếp theo.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từng bước chuyển đổi ở vùng ĐBDTTS trong tỉnh, như mô hình thâm canh trên diện tích đất lúa năng suất thấp sang thực hiện canh tác 1 vụ bắp, 1 vụ lúa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Các hoạt động khuyến nông, hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào trồng trọt thường xuyên tổ chức hỗ trợ bà con. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng khá, như năng suất lúa nước bình quân đạt 55 tạ/ha, bắp lai 60 – 70 tạ/ha (cá biệt có nơi đạt 80 – 90 tạ/ha)… Sản xuất nông nghiệp vùng ĐBDTTS tỉnh từng bước phát triển, phù hợp với quy hoạch từng địa phương, thu nhập và đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.
Chính sách đầu tư ứng trước cùng với nhiều chính sách thiết thực khác đã và đang là động lực tạo nên diện mạo mới vùng ĐBDTTS tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào được nâng lên, đồng bào càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo tiền đề cho việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính sách đầu tư ứng trước vật tư và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho hộ ĐBDTTS ở miền núi, vùng cao trong tỉnh được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1353 ngày 5/4/2004. Qua quá trình sửa đổi, bổ sung nay là thực hiện theo Quyết định 05 của UBND tỉnh ngày 1/2/2016 tập trung đầu tư ứng trước cho 2 loại cây trồng là lúa nước và bắp lai. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã giao cho Trung tâm Dịch vụ miền núi thực hiện chính sách này tại 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép thuộc các xã miền núi của tỉnh đem lại hiệu quả cao.