Là huyện miền núi nằm phía bắc của tỉnh, Bắc Bình có 25 thành phần dân tộc chung sống xen kẽ nhau, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 37% so với dân số toàn huyện. Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.
Tạo niềm tin trong nhân dân
Ông Bùi Tấn Vinh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Bình khẳng định, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt QCDC đã tạo được niềm tin trong nhân dân, phát huy sức sáng tạo của người dân vào những công việc chung của địa phương. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đã và đang làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Nổi rõ là các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”…
Đặc biệt đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay toàn huyện đạt 258 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có 10/16 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đạt 62,5 số xã trên địa bàn huyện. Các công trình giao thông nông thôn huy động sức dân được đầu tư hoàn thiện với tổng chiều dài trên 52 km với tổng vốn đầu tư 47,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 4,3 tỷ đồng… Song song, nhiều khó khăn, bức xúc về kinh tế – xã hội được nhân dân phản ánh kịp thời đến cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết, đặc biệt là các chương trình, dự án lớn như: công trình Hồ chứa nước Sông Lũy; cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn huyện; đường liên huyện; tổ chức lấy ý kiến nhân dân liên quan đến khu đất chợ cũ thuộc thị trấn Chợ Lầu, di dời chợ Phan Hiệp, bãi rác ở xã Hải Ninh…
Đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở xã, phường, thị trấn đã phát huy vai trò phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong quá trình tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn huyện có 18/18 Ban Thanh tra nhân dân ở xã, thị trấn; 72 tổ hòa giải cơ sở; 519 tổ tự quản, tổ dân phố với nhiều phương thức sáng tạo trong tập hợp, thu hút người dân. Thông qua đó, nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân được các cấp, các ngành tiếp thu…
Phát huy tốt vai trò của nhân dân
Tại buổi kiểm điểm thực hiện QCDC tại huyện Bắc Bình mới đây, đồng chí Dương Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội khẳng định, huyện Bắc Bình đã thực hiện QCDC khá bài bản, tương đối đều khắp. Nhờ đó đã phát huy vai trò nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội lưu ý huyện Bắc Bình cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về ở địa bàn dân cư phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Mặt khác, tăng cường thực hiện giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp theo Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Đồng chí Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội yêu cầu huyện Bắc Bình tiếp tục duy trì và phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Đi đôi với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC cơ sở định kỳ và đột xuất để phát hiện, uốn nắn, sửa chữa kịp thời. Đồng thời, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực…