BTO-Sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Hồng Hải làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản; lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam và 3 Hội Cộng đồng ngư dân ở 3 xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, năm 2008, mô hình đồng quản lý xuất phát từ chính ý tưởng, đề xuất của những ngư dân tâm huyết tại xã Thuận Quý xin giao vùng biển để bảo vệ, khoanh dưỡng, tổ chức khai thác hợp lý nguồn lợi Sò lông. Tuy nhiên, do thiếu khung pháp lý và nguồn tài chính nên chưa thể triển khai.
Năm 2015, Hội Nghề cá tỉnh đã xây dựng dự án và được UBND tỉnh phê duyệt “Mô hình thí điểm đồng quản lý Sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam”.
Sau đó, được Quỹ Môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF SGP) tài trợ kinh phí thực hiện.
Mô hình này lần đầu tiên được áp dụng tại tỉnh Bình Thuận, trong vùng biển mở ngay thời điểm khung pháp lý chưa rõ ràng nên các hoạt động của dự án chủ yếu tập trung vào tuyên truyền và vận động người dân; vận hành tổ chức cộng đồng ngư dân tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức cộng đồng các hoạt động tuần tra, theo dõi, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, tái tạo nguồn lợi Sò lông, phục hồi môi trường sống của các loài thuỷ sản…
Năm 2020, sau khi các hoạt động tài trợ dự án kết thúc, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch số 198/KH-UBND tiếp tục duy trì và phát triển mô hình đồng quản lý giai đoạn 2020 – 2025.
Kết quả lớn nhất của mô hình mang lại là đã xây dựng và vận hành 3 Hội cộng đồng ngư dân tham gia cùng Nhà nước trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ một vài hộ dân đăng ký ban đầu, đến nay đã kết nạp được 288 hộ, tự huy động đóng góp được 210,2 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì sinh hoạt và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Thực hiện theo Luật Thủy sản 2017, UBND huyện đã ban hành Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các Hội cộng đồng ngư dân, với diện tích vùng biển là 43,4 km2.
Tại các điểm khảo sát ở 3 xã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp nghe các thành viên trong Hội cộng đồng ngư dân 3 xã phân tích những ưu điểm mà mô hình mang lại. Trong đó, nhờ hoạt động thả rạn nhân tạo thời gian qua, nhằm đánh dấu vùng biển thực hiện đồng quản lý, với số lượng 60 cụm chà ở 3 xã đã góp phần ngăn chặn, giảm thiểu hoạt động của các nghề cấm nhất là lưới kéo, giã cào bay, lờ dây, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản. Không chỉ vậy, Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã thả được 112,4 tấn Sò lông con để phục hồi nguồn lợi. Hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản, cạnh tranh mâu thuẫn trong khai thác tại vùng biển áp dụng đồng quản lý đôi lúc vẫn còn, nhưng đã được hạn chế và giảm thiểu đáng kể…
Năm 2023, Tổng cục Thủy sản đã kết nối và được Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ kinh phí tiếp tục thả 23 cụm điểm mới. Trong đó, xã Thuận Quý có 11 điểm, Tân Thành 6 điểm và Tân Thuận 6 điểm. Đặc biệt, tại xã Tân Thuận đã xây dựng và vận hành được mô hình “Đội giám sát cộng đồng IUU” với hơn 50 thành viên tham gia.
Tại buổi làm việc, đại diện 3 Hội cộng đồng ngư dân cũng như lãnh đạo 3 xã đã nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình như: Chưa có cơ chế tài chính, chính sách để hỗ trợ các tổ chức cộng đồng đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, nên chưa khuyến khích được ngư dân tham gia một cách sâu rộng. Không có nhà sinh hoạt riêng cho các Hội cộng đồng ngư dân, thiếu kinh phí trang trải cho các hoạt động của hội. Đặc biệt, các thành viên tham gia hội theo tinh thần tự nguyện là chính, không có bất cứ khoản hỗ trợ kinh phí nào…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của 3 Hội cộng đồng ngư dân ven biển đã duy trì hoạt động khá tốt thời gian qua. Dù các thành viên trong hội hoạt động không thù lao, nhưng có thể thấy, mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nguồn lợi thủy sản trong vùng tăng lên, thu nhập của ngư dân cải thiện đáng kể. Đây sẽ là một trong những yếu tố cốt lõi để người dân nhìn nhận, ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Không chỉ vậy, thông qua mô hình, những ngành nghề đánh bắt trái phép như giã cào, lưới kéo giảm đáng kể.
Thời gian tới, đề nghị Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản trong công tác chỉ đạo cần tăng cường tuyên truyền đến từng ngư dân về mục đích, hiệu quả của mô hình, về tọa độ cũng như phương pháp thả chà…; nghiên cứu, tính toán để tọa độ thả chà phù hợp, khoa học hơn. Ngoài ra, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác phối hợp, chủ động xử lý các trường hợp ngư dân khai thác bằng hình thức rập, lồng bát quái đang rộ lên (khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản) để răn đe.
Do đây là mô hình thí điểm, nên chưa thể bố trí đất đai, kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt riêng, do đó, 3 Hội cộng đồng ngư dân cố gắng sinh hoạt ghép tại các vạn để duy trì hoạt động. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng sớm tổng kết, đánh giá mô hình để có cơ sở nhân rộng mô hình này đến các địa phương có biển khác.