Thời gian qua, Bình Thuận rất quan tâm đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều chính sách được tỉnh triển khai, hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng lên.
Hiệu quả từ chính sách giao khoán rừng
Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 104.066 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. So với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo dễ xảy ra; thu nhập bình quân đầu người thấp và không đồng đều. Trước thực trạng trên, chính sách giao khoán rừng được tiến hành thực hiện. Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2021, diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS là 86.179,42 ha/2.379 hộ, bình quân 36,3 ha/hộ, tiền công giao khoán 200.000 đồng/ha/năm, tổng kinh phí thực hiện 192, 476 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay Trung ương hỗ trợ thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS theo Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 – 2020, thì đối với các hộ gia đình tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả 400.000 đồng/ha/năm, với tổng nguồn vốn 66,1 tỷ đồng/72.651 ha/2.408 hộ. Riêng trong năm 2019, thông qua chương trình phối hợp “Lâm nghiệp xã hội” giữa Ban Dân tộc tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận đã giải quyết cho 63 hộ đồng bào DTTS nhận khoán 2.176,34 ha với mức khoán khoảng 300.000 đồng/ha/năm. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội đồng nhân dân tỉnh: Năm 2022 đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS là 50.099,4 ha/1.304 hộ, bình quân 38,42 ha/hộ, tiền công giao khoán 200.000 đồng/ha/năm, tổng kinh phí thực hiện 10,019 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã phân khai kinh phí chi trả tiền công nhận khoán bảo vệ rừng cho 1.304 hộ/39.120 ha rừng với tổng số tiền 11 tỷ 736 triệu đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã được UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh tại Quyết định số 2637, ngày 15/12/2022. Hiện tại, ngành chức năng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh ra Quyết định phân khai kinh phí đợt II năm 2023 cho hộ nhận khoán theo Nghị quyết 18, ngày 18/12/2022 của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, từ việc thực hiện chính sách giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào DTTS trong thời gian qua đã góp phần giảm thiểu tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái phép, góp phần bảo vệ môi trường. Các hộ đồng bào DTTS có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, đời sống được cải thiện; mối quan hệ giữa đồng bào DTTS với lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gắn bó, nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên. Nếu như 5 năm trước, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS toàn tỉnh là 4.250 hộ, chiếm gần 20% tổng số hộ, thì đến nay con số này chỉ còn 1.705 hộ, chiếm 6,96% tổng số hộ.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS
Chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy cũng là một trong những chính sách đã góp phần hỗ trợ cho đồng bào DTTS từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Diện tích đất sản xuất được cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU là 5.048,55 ha/4.415 hộ, hầu hết diện tích đất đã cấp đều được người dân đưa vào sản xuất. Đồng thời, thông qua việc thực hiện chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp người dân có đủ giống, vật tư sản xuất trên diện tích đất được giao; qua đó phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; quyết liệt chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản, đẩy nhanh việc giao kế hoạch vốn, tích cực giải ngân thực hiện Chương trình; tăng cường việc đôn đốc thực hiện Chương trình tại các địa phương. Đối với nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương được phân công phụ trách các dự án, tiểu dự án tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục để phân khai các nguồn vốn được phân bổ. Hiện nay, các sở, ban, ngành đã tham mưu UBND tỉnh phân khai chi tiết nguồn vốn cho các dự án, tiểu dự án của Chương trình; UBND các huyện cũng đang xây dựng, hoàn thiện trình HĐND cấp huyện ban hành các Nghị quyết phân khai kinh phí thực hiện trên địa bàn huyện. Đến nay, tỉnh đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 5/8/2023: vốn đầu tư phát triển: 15,568 tỷ đồng/51,905 tỷ đồng (tỷ lệ 30%), vốn sự nghiệp: 17,635 tỷ đồng/ 35,818 tỷ đồng (tỷ lệ 49 %).
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả đất sản xuất do Nhà nước cấp và thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai tại địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan và UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân nguồn vốn được giao; theo dõi chặt chẽ từng địa bàn triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sai sót trong quá trình thực hiện Chương trình.