Tự hào truyền thống vẻ vang
Truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Lịch sử ghi lại, 14h30 phút ngày 25/8/1945, khoảng 5.000 quần chúng từ các ngã họp điểm tại các khu nhà ga cùng diễu hành qua trước dinh tỉnh trưởng (Tòa xứ) rồi tiến về sân vận động, trong màu cờ rực rỡ và tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi. Giữa hàng ngàn người, nổi bật lên một đội ngũ chỉnh tề, mặc đồng phục, đầu đội mũ ca lô màu cỏ úa, giữa có ngôi sao 5 cánh, súng chắc trong tay, mặt mày rạng rỡ – đó chính là giải phóng quân, quân đội của nhân dân, lực lượng vũ trang của cách mạng và ngày 25/8/1945 trở thành ngày truyền thống LLVT tỉnh Bình Thuận.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT tỉnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng và trưởng thành nhanh chóng. Lực lượng tập trung của tỉnh xây dựng đến cấp trung đoàn; bộ đội địa phương huyện, dân quân du kích xã phát triển rộng khắp trên quy mô toàn tỉnh. Đặc biệt đến năm 1952, lực lượng đặc công hình thành, với lối đánh bí mật, táo bạo, thọc sâu, đánh đau, đánh hiểm làm cho kẻ địch bạt vía kinh hồn. Có thể nói, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu như không một cứ điểm nào, một đồn bốt nào của địch tại Bình Thuận không bị LLVT ta tiến công, tiêu diệt. Chiến thắng Lầu Ông Hoàng, Duồng, Camp E sé píc, Mương Mán, Ngã Hai, Sông Quao, Suối Kiết, Thạch Long, Mũi Né, Tánh Linh, La Dầy, Gia Bát,… là những minh chứng hùng hồn về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và sự linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng phương thức tác chiến tiêu diệt địch của LLVT tỉnh, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng trưởng thành và mãi mãi in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bình Thuận.
Trong 5 năm 1960 – 1965, LLVT tỉnh không ngừng được củng cố, xây dựng và phát triển, tổ chức nhiều trận đánh trên địa bàn tỉnh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá ấp mở vùng giải phóng, góp phần làm thất bại quốc sách ấp chiến lược của địch, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ – Ngụy. Năm 1965, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam đã tặng cờ cho LLVT tỉnh với dòng chữ “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” – đó cũng chính là truyền thống của LLVT tỉnh. Sau ngày giải phóng, LLVT tỉnh tích cực tham gia làm nhiệm vụ quân quản, bảo vệ bờ biển, hải đảo, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân. Chấp hành chỉ thị của trên, một số đơn vị của LLVT tỉnh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo. Qua 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thuộc LLVT tỉnh đã vượt qua gian khổ khó khăn, cùng nước bạn chiến đấu hàng ngàn trận lớn nhỏ, vừa đánh địch bảo vệ dân, vừa cứu đói, cứu đau cho dân. Quá trình đó, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nhân dân, vì nước bạn. Với những thành tích đạt được trong kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 20/12/1979, quân và dân tỉnh Bình Thuận được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”. Tất cả đều tô thắm truyền thống quý báu “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.
Hai nhiệm vụ chiến lược
78 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát, nhưng cũng vô vàn vinh quang. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và sự yêu thương, nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân, LLVT tỉnh Bình Thuận đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn chú trọng quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nỗ lực thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Bên cạnh đó, LLVT tỉnh còn thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại địa phương. Nổi bật là phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và mô hình “LLVT tỉnh tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo”, góp phần ổn định, nâng cao đời sống nhân dân… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, LLVT tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt CBCS, DQTV trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Với phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang cùng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng, Nhà nước phong tặng, thời gian tới cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tiếp tục xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, thời gian tới LLVT tỉnh sẽ tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Song song đó, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao chất lượng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng tác chiến, sát đặc điểm, tình hình địa bàn cơ sở; làm chủ, khai thác tốt các loại vũ khí mới được trang bị. Làm tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, trọng tâm là nâng cao năng lực phòng tránh khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chủ quyền biển đảo cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc…