BTO-Chiều 18/8, Đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai về học tập kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (BVR).
Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Sỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì. Cùng sự tham dự của đại diện một số sở, ban, ngành liên quan của 2 địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 15 Ban quản lý rừng phòng hộ và 2 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên, thực hiện quản lý, bảo vệ trên 305.000 ha rừng với gần 650 viên chức và nhân viên hợp đồng BVR. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giải quyết cho nghỉ việc 61 trường hợp. Ngoài ra hiện còn 85 trường hợp có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa giải quyết.
Nguyên nhân xuất phát chủ yếu do công việc khó khăn gian khổ, điều kiện làm việc ở rừng sâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đối diện nhiều hiểm nguy bởi các đối tượng phá rừng, bị xử lý trách nhiệm hình sự khi để mất rừng, cháy rừng. Trong khi đó chế độ đãi ngộ rất thấp, bình quân 1 người làm việc được 10 năm hưởng lương bậc đại học cũng chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống…
Về phía tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, địa phương với tổng diện tích đất có rừng và chưa thành rừng khoảng 200.000 ha. Trong giai đoạn từ năm 2019 – 2023, số lượng viên chức xin nghỉ việc, chuyển công tác là 149 người; việc tuyển dụng viên chức gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương thu nhập bình quân lực lượng viên chức quản lý BVR thời gian qua là 5 triệu đồng/người/tháng.
Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì tham mưu HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua và ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ- HĐND ngày 20/4/2023 quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2027. Cụ thể, theo nội dung Nghị quyết số 03, viên chức giữ chức danh nghề nghiệp quản lý bảo vệ rừng viên (hạng II, hạng III), mức hỗ trợ 2,8 triệu đồng/người/tháng; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên bảo vệ rừng (hạng IV), mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp ngân sách hiện hành… Khi triển khai nghị quyết đã hỗ trợ rất lớn đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và họ đã yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian qua tình hình lâm phận được quản lý ổn định, không xảy ra các vụ cháy rừng, mất rừng nghiêm trọng.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành 2 tỉnh đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Hướng đến mục tiêu cải thiện nguồn thu nhập cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tạo sự khích lệ, động viên để lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị và hạn chế tình trạng xin nghỉ việc như hiện nay.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép Đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết từ tỉnh Đồng Nai để tham mưu HĐND tỉnh Bình Thuận ban hành triển khai thực hiện.