Thời gian gần đây, hoạt động của kinh tế tập thể (KTTT) trong tỉnh đã có bước phát triển mới với nhiều hình thức tổ chức phong phú, hoạt động đa dạng cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, cần tập trung nguồn lực đưa KTTT, kinh tế hợp tác vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững.
Từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Những năm gần đây, hoạt động của KTTT, HTX trong tỉnh đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các HTX, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã có nhiều cố gắng vươn lên, có định hướng hoạt động đúng, đóng góp trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. HTX cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho thành viên thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, để phát triển sản xuất theo chiều sâu, hình thành các khu vực chuyên canh (trồng rau sạch, trái cây, chăn nuôi…), gắn sản xuất với thị trường, từng bước hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động của các QTDND đã tác động lớn đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, thành viên được vay vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp, kinh doanh buôn bán. Từ đó nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho lao động khu nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 10 HTX, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022 và giải thể 2 HTX Nông nghiệp là HTX Đức Tín (Đức Linh) và HTX Bình Thái (Bắc Bình).
Chủ động huy động nguồn lực
Theo Liên minh HTX tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX tuy có những thay đổi tích cực, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Với quy mô nhỏ cả về thành viên và nguồn vốn, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu đất đai, nhà xưởng, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc phải sử dụng tạm nhà của thành viên. Chưa hết, khả năng liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ – chế biến và tham gia chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế. Hầu hết các HTX nông nghiệp chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Số HTX có sản phẩm chế biến sau thu hoạch chiếm tỷ lệ rất thấp (6 HTX), khả năng thương mại hóa và tiếp cận thị trường của các sản phẩm chế biến chưa cao…
Một số HTX, QTDND chưa quan tâm đến công tác cán bộ, thiếu sự quy hoạch và đào tạo cán bộ một cách căn bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền tuy được sự quan tâm, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Một số HTX chưa có đầy đủ thông tin về các chính sách hỗ trợ phát triển HTX trong giai đoạn hiện nay. Một số cán bộ cấp cơ sở chưa nắm rõ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT dẫn đến công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia HTX còn hạn chế. Công tác phát triển thành viên của các HTX rất hạn chế, hầu hết các HTX không thu hút thêm được thành viên mới.
Do đó, để đưa KTTT phát triển đúng hướng, Ban chỉ đạo Đổi mới Phát triển KTTT, HTX tỉnh đã đề ra những giải pháp thiết thực. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của KTTT, HTX đối với nền kinh tế nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị hiểu rõ Luật HTX năm 2023, bản chất mô hình HTX kiểu mới; lợi ích của việc tham gia HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm củng cố niềm tin của thành viên, cộng đồng xã hội. Tiếp tục hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác. Hình thành mô hình HTX liên xã, liên huyện, liên vùng…
Ngoài ra, vận động các hộ cá thể trên địa bàn nông thôn tham gia thành viên HTX, THT, thành lập mới HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giải thể, chuyển đổi những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động, hoạt động không đúng bản chất HTX kiểu mới…