Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT – Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng góp phần cho công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh.
Theo đó, sở đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) tổ chức 6 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU tại các đơn vị, địa bàn nghề cá trọng điểm (Trung tâm Giám sát tàu cá tỉnh và Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Phan Thiết; phường Mũi Né – TP. Phan Thiết; xã Chí Công – huyện Tuy Phong; thị xã La Gi; huyện Hàm Tân) và 5 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thủy sản (Công ty TNHH Hải Nam, Hải Triều, thủy hải sản HaiWang, Bex, Hải Thuận). Qua kiểm tra, đã nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị và địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, đã tổ chức 2 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh đến 5 tỉnh phía Nam (Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi có tàu cá của tỉnh Bình Thuận đang lưu trú, hoạt động để gặp gỡ ngư dân nhằm tuyên truyền, vận động…
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với Sở Xây dựng, UBND thị xã La Gi và các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng mức độ hư hỏng, xuống cấp khu vực Bến 200 – 400 CV, Cảng cá La Gi để đề xuất phương án khắc phục, phục vụ chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại buổi kiểm tra, làm việc tại Cảng cá Phan Thiết ngày 5/7/2023, sở đã chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh báo cáo, đề xuất các hạng mục xuống cấp cần khẩn trương sửa chữa, khắc phục nhằm chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra EC từ nguồn quỹ sự nghiệp của đơn vị, gởi lấy ý kiến Sở Tài chính, Sở Xây dựng để trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã dự thảo văn bản xin chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Theo đó, đối tượng hỗ trợ là các chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đăng ký tại Bình Thuận đã lắp đặt thiết bị VMS theo quy định (dự kiến 1.950 tàu cá). Các đối tượng này sẽ được hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá với mức hỗ trợ 2,2 triệu đồng/1 tàu/1 năm. Thời gian hỗ trợ trong 2 năm, từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2025. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ trong 2 năm là 8,580 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
M. VÂN