BTO- Sở Công Thương vừa đề nghị các nhà máy điện, Truyền tải Điện Bình Thuận, Công ty Điện lực Bình Thuận triển khai một số nội dung về chủ động phòng, chống ứng phó mưa lớn gây ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó tăng cường công tác kiểm tra kỹ thuật đối với các công trình, khi phát hiện những vấn đề bất thường hoặc nguy cơ tiềm ẩn không an toàn phải lập tức có biện pháp khắc phục, báo cáo cơ quan thẩm quyền biết để chỉ đạo kịp thời và triển khai ngay biện pháp xử lý ban đầu nhằm ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra. Đồng thời vận hành hồ chứa đúng quy trình đã được phê duyệt, phối hợp kiểm tra việc triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công, sửa chữa. Ngoài ra quan tâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập.
Bên cạnh đó còn thường xuyên cập nhật theo dõi thông tin bão lũ và xử lý thông tin bão lũ gây mất an toàn trên lưu vực. Thông báo thường xuyên, kịp thời cho chính quyền địa phương các cấp ở vùng hạ du, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhân dân (nhất là vùng bị ảnh hưởng) biết thông tin chi tiết về quy trình xả lũ theo đúng quy định để chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt. Lưu ý khi xả lũ cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến và xu thế thời tiết, phối hợp với địa phương nắm bắt kịp thời tình hình ngập lụt ở hạ du, vận dụng linh hoạt trong việc điều tiết và tận dụng tối đa dung tích phòng lũ của công trình nhằm làm giảm lũ, chậm lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại
cho vùng hạ du.
Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị các đơn vị rà soát, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ có liên quan về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Bao gồm: Phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; Phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, hồ chứa thủy điện; Báo cáo đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện… Mặt khác còn chuẩn bị phương án vận hành, sản xuất, truyền tải điện và phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là tại những vùng có nguy cơ lụt, bão, thiên tai xảy ra. Có phương án dự trữ vật tư, thiết bị cũng như kiểm tra sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để ứng phó sự cố khi mưa lớn, lũ về hồ nhanh, đảm bảo an toàn tuyệt đối hồ chứa nước theo quy định.
Liên quan vấn đề này, ngoài việc thực hiện đúng quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì các đơn vị cũng phải chấp hành nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong công tác cắt lũ, giảm lũ và chậm lũ cho vùng hạ du…