Để có một Việt Nam tươi đẹp, ấm no, tự do hạnh phúc như hôm nay dân tộc ta đã đánh đổi bằng xương máu của lớp lớp thế hệ cha ông, nên chúng ta phải bảo vệ, chung sức đẩy lùi thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
Thế lực thù địch đã và đang không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước ta trên nhiều phương diện trong thời gian qua, đặc biệt trên không gian mạng…
Trên không gian mạng
Khoản 3, Điều 2 của Luật An ninh mạng của nước ta xác định: Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Với thế giới phẳng hiện đại như vậy tạo ra nhiều lợi ích cho các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn. Việt Nam, nằm trong nhóm quốc gia được hưởng nhiều lợi ích của nó mang lại, nhưng cũng chịu nhiều thách thức. Cụ thể, ngoài bị tấn công mạng; tội phạm lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy… phát triển nhanh, thì còn tình trạng thông tin bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục… Đặc biệt, các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo các vấn đề bức xúc trong nước; tạo dựng thông tin sai sự thật nhằm làm nhiễu loạn truyền thông, gây hoài nghi trong quần chúng nhân dân, từng bước tạo bất ổn, tiến tới hình thành các xu hướng phản kháng chống chính quyền.
Để phục vụ cho mục đích này, các tổ chức phản động đã lập ra hàng ngàn website, blog, tài khoản Facebook, Youtube… gia tăng các chiến dịch “chiến tranh tâm lý”; phát động hàng trăm chiến dịch phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng internet; lợi dụng vỏ bọc “xã hội dân sự”, “phản biện xã hội” để thu thập thông tin, tập hợp lực lượng đối lập, thúc đẩy “bất tuân dân sự” ở trong nước, xuyên tạc chia rẽ nội bộ, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.
Những xuyên tạc điển hình
Vụ tấn công khủng bố vào hai xã Ea ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là vụ việc điển hình. Rất nhiều bài viết, clip bóp méo sự thật của bọn chúng đăng tải trên các website, blog, tài khoản Facebook, Youtube… Trong đó trang VoA có bài: “Bạo động ở Đắk Lắk…”; rồi đến “Người Thượng tấn công chính quyền…”, dẫn lời hai trường hợp ở Mỹ tên là Y Phíc và Aga – thành viên của tổ chức phản động “Người Thượng vì công lý”. Ông ta bóp méo sự thật rằng, hơn 70 trường hợp bị bắt giữ trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk thì “đa số là người vô tội”, “chính quyền nghi ai, ghét ai thì họ đều bắt hết”!?.
Tất cả những bài viết, clip trên được đăng tải trên không gian mạng giữa lúc người dân cả nước hướng về Đắk Lắk bức xúc, chia sẻ những đau thương mất mát khi nhiều cán bộ và chiến sĩ công an ra đi mãi mãi. Với mong muốn lực lượng chức năng tìm ra thủ phạm, một trong những người bình luận dưới bài: “16 người bị bắt trong vụ tấn công trụ ở công an ở Đắk Lắk” trên trang VnExpress rằng: “Coi thường pháp luật, hành động dã man, đề nghị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm. Xin chia buồn với gia đình các chiến sĩ và người dân đã mất”.
Những đối tượng bị bắt trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk đều có liên quan trực tiếp đến cái chết của các cán bộ, chiến sĩ. Nếu không bắt chúng thì làm sao có thể điều tra phá án, quốc gia nào trong hoàn cảnh ấy cũng phải làm vậy để đảm bảo an ninh quốc gia. Chắc chắn, Y Phíc và Aga cũng như tất cả những kẻ viết các bài báo trên, sống ở đất Mỹ văn minh cũng biết điều đó. Tuy nhiên, chúng lại cố tình nói, viết sai sự thật thì đấy chính là những phần tử xấu, có thái độ thù địch hoặc thần kinh có vấn đề.
Tương tự, vụ “Chuyến bay giải cứu”, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo bị truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Việt Tân có bài viết: “Đánh tráo khái niệm “cảm ơn” trong vụ “chuyến bay giải cứu” xoay quanh lời tự bào chữa tại tòa của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người bị buộc tội nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng trong vụ án. Đọc qua bài này thì không có gì đáng nói, nhưng ngẫm lại thấy ý đồ rất thâm độc, kích động, lôi kéo mọi người vào bình luận chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Hóa ra, Đảng Cộng sản chỉ tuyển chọn những kẻ “chậm phát triển” để giao quyền…”, một trong những người đã bình luận chống phá Đảng ta dưới bài viết. Tuy vậy, cũng có những bình luận thông minh, có chiều sâu như: “Anh (ông Dũng) không nhận thức được, đó là chuyện của anh ấy, vào tù rồi có thời gian ngồi nhìn nhận lại. Còn xét về luật thì đây là tội hình sự, mà có tội thì phải được trừng trị nghiêm minh, ở đất nước nào cũng phải vậy thôi”.
Bên cạnh những vụ trên, không thể không liên tưởng đến vụ gây rối ở một số nơi trên cả nước vào năm 2018, trong đó có Bình Thuận. Khi ấy cả nước đang triển khai dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, các đối tượng phản động không chỉ ra sức truyền bá thông tin xấu, độc trên không gian mạng, mà còn trực tiếp lôi kéo, kích động người dân chống phá Đảng, Nhà nước. Không ít người dân lầm tưởng là thật hoặc không hiểu hết được vấn đề nên làm theo chúng gây nên hậu quả đáng tiếc.