1. Năm Du lịch quốc gia 2023 đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, lần đầu tiên Bình Thuận góp mặt trong danh sách 9 tỉnh, thành trên cả nước đạt doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Thông qua du lịch, đã tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế – xã hội khác cùng phát triển; mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thương mại. Phát triển du lịch không chỉ gắn với phát triển kinh tế, xã hội mà còn đồng thời giới thiệu hình ảnh, con người, văn hóa Bình Thuận đến với đông đảo du khách trong, ngoài nước.
Lễ hội đường phố
Không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, du lịch Bình Thuận đang hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn mà tỉnh đã xác định từ trước. Đó là: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó là các Đề án: Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030; Quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Phan Thiết City tour) giai đoạn 2021-2025; Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Du khách mạo hiểm với môn dù lượn
2. Bình Thuận cũng đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Một trong những việc tỉnh đang hướng đến là thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong đó, tiếp tục rà soát, cập nhật định hướng phát triển các lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ, bất động sản… trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư chiến lược, hình thành các dự án quy mô lớn, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để triển khai hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đồng hành với việc phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển và các tài nguyên du lịch khác. Các sản phẩm, loại hình du lịch chủ yếu theo 4 nhóm chủ đề chính: Du lịch biển – giải trí; công tác kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch thám hiểm và thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng. Điểm nhấn xuyên suốt là chọn Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân lan tỏa để thúc đẩy phát triển, tăng trưởng của ngành du lịch; đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với du lịch MICE.
3. Được biết, hiện nay tỉnh đang chỉ đạo xử lý vướng mắc giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch các ngành; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án du lịch lớn, nhất là các dự án tại khu vực phía nam Phan Thiết. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đưa các dự án du lịch đi vào hoạt động; kiên quyết thu hồi các dự án du lịch chậm triển khai không có lý do chính đáng. Tăng cường xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Bình Thuận – An toàn – Hấp dẫn cùng với các chương trình kích cầu du lịch phù hợp nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường khách du lịch, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế. Để thu hút lượng khách quốc tế và trong nước đến với Bình Thuận thì việc đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh cũng được đề cập tới khi tiến hành. Một yếu tố không thể không nhắc đến, góp phần “hút” du khách là việc khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá. Đồng thời xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách đảm bảo chất lượng, uy tín, có thương hiệu. Và nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp bài bản, cần được quan tâm đào tạo để ngành công nghiệp “không khói” tỉnh nhà bứt phá trong những năm tiếp theo.
Biển Hàm Tiến – Phan Thiết luôn đông du khách.