Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 46 -NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (NQ46). Mục tiêu của NQ 46 là làm tốt vai trò đại diện, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…
Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị
Theo đánh giá của Bộ Chính trị, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và phong trào nông dân đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao cuộc sống của nông dân, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Hội Nông dân các cấp tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập, do chưa đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; chưa khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Vì vậy, nội dung NQ 46 nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, NQ 46 nêu mục tiêu cụ thể là hàng năm, phấn đấu kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ. Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên. Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp…
Là cầu nối liên kết với “3 nhà”
Để đạt được các mục tiêu đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Bộ Chính trị đề ra là đổi mới tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ… Đồng thời, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hội nông dân các cấp theo hướng sát cơ sở, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quá trình phát triển; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của hội.
Thêm giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội Nông dân thực hiện tốt vai trò là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Cùng với đó, động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân.
Tại Bình Thuận, sau khi NQ 46 được ban hành, mới đây Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt NQ 46, với yêu cầu tiến hành nghiêm túc, chất lượng, gắn với đổi mới nội dung, phương thức quán triệt phù hợp với điều kiện, đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang có trách nhiệm nghiên cứu, quán triệt nghị quyết; Nhân dân được tuyên truyền những nội dung cơ bản của nghị quyết. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước…
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, sự ra đời của NQ 46 có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực để động viên, khích lệ phong trào nông dân. Qua đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 5 năm qua, toàn tỉnh thu hút gần 17.000 hội viên, nâng số hội viên đến nay gần 150.000 người. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; có 5 nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc; 12 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm tiêu biểu toàn quốc và 358 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 62.806 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, con nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho 15.730 lượt hộ nông dân nghèo…
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX vừa qua cũng xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 2023 – 2028 là phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… xây dựng tổ chức hội các cấp và giai cấp nông dân vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận giàu đẹp…