Tối 6/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Dự lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Quốc Vượng – Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phùng Quốc Hiển – Nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Lai Châu – Dấu ấn một chặng đường”.
Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Mạnh Hà – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu qua các thời kỳ; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Dự lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Bắc Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong diễn văn lễ kỷ niệm, đồng chí Giàng Páo Mỷ – Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Cách đây 115 năm, ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu danh xưng Lai Châu gắn liền với cấp độ một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trải qua các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu cùng đoàn kết đồng lòng, diệt phỉ, trừ gian, góp phần cùng quân dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Đồng chí Giàng Páo Mỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Những ngày đầu mới chia tách, thành lập, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất cả nước; kinh tế – xã hội kém phát triển; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ còn thiếu. Song với sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay, Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm đạt trên 9%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng 70 lần, từ 31 tỷ đồng lên trên 2000 tỷ đồng. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được hình thành và mở rộng. Lâm nghiệp phát triển bền vững, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 52%. Diện mạo các vùng đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 41,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân gần 14 tiêu chí/xã.
Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng lớn mạnh với 12 Đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở Đảng và trên 30 nghìn đảng viên. Tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững.
Sự phát triển toàn diện của tỉnh Lai Châu ngày hôm nay đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc chia tách, thành lập tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi đồng bào, cán bộ Lai Châu cách đây 70 năm. Đây là tiền đề vững chắc và động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường mới phấn đấu thực hiện các mục tiêu: “Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050 trở thành tỉnh có kinh tế – xã hội trên mức trung bình của cả nước”.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Ghi nhận những kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Lai Châu qua 20 năm chia tách, thành lập, tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên cờ truyền thống.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu nổi bật, đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đạt được trong suốt chặng đường qua. Đồng thời nhấn mạnh: Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là phên giậu xung yếu, có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh. Là vùng đầu nguồn và phòng hộ trọng yếu cho các nhà máy thủy điện lớn của quốc gia, cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đại tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục giữ gìn và vun đắp sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị tỉnh, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động. Thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với học tập, làm theo Bác và những lời dạy của Bác trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, trọng tâm là tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp năng lượng, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; bảo đảm quốc phòng – an ninh và đối ngoại…
Đáp từ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương khẳng định, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, tỉnh Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương. Bày tỏ sự cảm ơn, tiếp thu, lĩnh hội ý kiến phát biểu chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu hứa, tỉnh Lai Châu sẽ sớm cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tới.
Ngay sau phần khen thưởng là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Lai Châu – Dấu ấn một chặng đường”. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Học viện Cảnh sát Nhân dân, Chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh, học sinh Trường PTTH Thành phố Lai Châu và các nghệ sĩ, ca sĩ…
Chương trình nghệ thuật Ký ức Lai Châu.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Ký ức Lai Châu; Lai Châu – Dấu ấn một chặng đường và Lai Châu khát vọng, phát triển với những tiết mục hát, múa đặc sắc, độc đáo ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương đất nước; vẻ đẹp thiên nhiên, văn hoá, con người Lai Châu. Qua chương trình nghệ thuật, khẳng định sự đổi mới, cùng khát vọng vươn lên của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu trong suốt chặng đường 20 năm chia tách, thành lập tỉnh và những chặng đường mới tiếp theo dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước.
Kết thúc Lễ kỷ niệm, các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cùng nghệ sĩ, diễn viên, nhân dân chung tay trong vòng xòe đại đoàn kết.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Ký ức Lai Châu; Lai Châu – Dấu ấn một chặng đường và Lai Châu khát vọng, phát triển với những tiết mục hát, múa đặc sắc.
Múa Lân, rồng do 900 học viên Học viện Cảnh sát nhân dân thực hiện.
Màn biểu diễn trống hội.
Đoàn kỵ binh biểu diễn tại lễ kỷ niệm.