Những ngày đầu tháng 12, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ sáng sớm chị Năng Xuân Lu Hiệp trú thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập cùng bà con trong thôn ra rẫy gặt lúa. Chỉ trong 1 ngày, 2 ha lúa rẫy được chị thuê đất cao su của Nông trường Phước Bình, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng trồng, đã thu hoạch gần xong. Chị Hiệp cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất lúa vẫn ở mức khá. Chị và bà con trồng lúa rẫy rất phấn khởi, dự tính vụ này thu gần 4 tấn. “Lúa rẫy trồng không khó, chăm sóc dễ, chỉ làm cỏ, không phải bón phân và phun thuốc. Lúa rẫy nấu cơm ngon, để lâu không bị mốc, ăn chắc bụng, no lâu hơn khi mua gạo ngoài thị trường” – chị Hiệp cho hay.
Đồng bào dân tộc thiểu số thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập đổi công gặt lúa
Lúa rẫy được bà con canh tác mỗi năm 1 vụ, bắt đầu từ khi chớm mưa cho tới mùa khô thì lúa chín. Từ lúc trỉa hạt cho đến thu hoạch, bà con chỉ tốn công làm cỏ, cây tự sinh, tự dưỡng theo quy luật tự nhiên. Sau 5 tháng trồng, thời tiết thuận lợi, cây sẽ đơm bông, kết thành những hạt lúa to và chắc. Khi lúa chín, hạt vàng trĩu bông thì người dân ra rẫy gặt về.
Mùa này, gia đình chị Thị Hạnh ở thôn Bình Giai trồng được 3 ha lúa rẫy. Chị Hạnh cho biết, lúa rẫy mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, vụ sau muốn trồng thì phải đi thuê đất mới. Quy trình trồng lúa rẫy rất đơn giản. Vào đầu mùa vụ, đồng bào chọn đồi thoải hoặc đi thuê đất từ các vườn cao su non chưa khép tán kết hợp trồng lúa rẫy. Khi mưa xuống, đất mềm và tơi hơn, bà con lấy những hạt lúa giống đã tuyển chọn gieo vào đất. Không phải cày bừa như trồng lúa nước, chỉ cần 1 người đi trước đào lỗ, người đi sau bỏ hạt lúa xuống rồi lấp đất lại. Việc trồng lúa rẫy có từ ngày xưa, ông bà truyền lại hạt giống để gieo trồng. Người trong thôn từ nhỏ ai cũng biết trồng lúa rẫy. Tùy thời tiết mà có năm được mùa, năm mất mùa. Trong suốt 5 tháng lúa sinh trưởng, người dân đi làm thuê, làm rẫy điều, cao su, hồ tiêu để kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống bà con những năm gần đây khá hơn. “Lúa rẫy hiện thương lái thu mua 12 ngàn đồng/kg nhưng chúng tôi không bán. Lúa này làm ra chỉ để ăn, nếu người nào trong thôn, ấp khó khăn thì mình chia cho họ ít” – chị Hạnh chia sẻ.
Máy cày chạy thẳng vào lô cao su để chở lúa
Đang vào mùa thu hoạch, lúa chín vàng ươm cả những vạt đồi cao su. Người trong thôn đổi công cho nhau để thu hoạch lúa nên thời vụ diễn ra rất nhanh. Cây lúa sau thu hoạch, tự mục thành phân bón cho cây cao su. Thu xong có máy tuốt tại chỗ, khi lúa phơi khô, đồng bào chọn những hạt to, căng tròn cất giữ làm giống cho vụ sau.
Ông Điểu Ó ở thôn Bình Giai phụ trách khâu tuốt lúa cho bà con trong thôn theo hướng vần đổi công cho biết, hiện làm lúa đỡ hơn ngày xưa rất nhiều vì có máy móc hỗ trợ. Lúa rẫy khi xát thành gạo, nấu chín hạt rời và có vị ngọt, bùi. Ngày nay, rất nhiều người dân các nơi tìm đến mua lúa rẫy, bởi lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng cao. Chính vì thế, dù năng suất thấp hơn nhưng giá lúa rẫy cao hơn lúa nước.
Máy tuốt được vận chuyển ra tận rẫy giúp bà con tuốt lúa nhanh, gọn
Hiện nay, làm lúa rẫy đã có máy móc hỗ trợ, bà con chỉ việc đóng bao mang lúa về phơi khô, cất trữ ăn dần
Lúa rẫy là lương thực quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số những xã không có điều kiện canh tác lúa nước. Hạt lúa được kết tinh từ tinh hoa của đất trời không chỉ mang đến sự no đủ mà còn là nét văn hóa không thể tách rời của đồng bào. Và mùa thu hoạch lúa rẫy được xem là dịp vui nhất trong năm.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166369/vao-mua-lua-ray