Trong 2 tháng gần đây, ngành du lịch Cô Tô đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, ưu đãi hấp dẫn và đưa vào nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng. Không chỉ những bãi biển truyền thống như Hồng Vàn hay Vàn Chảy, Cô Tô còn có những đảo nhỏ độc đáo nằm rải rác, hệ thống san hô đa dạng phong phú. Do đó, ngay trong tháng 4 vừa qua, các đơn vị đã chủ động xây dựng và đưa vào sản phẩm du lịch mới như: Đi bộ dưới đáy biển, lặn biển ngắm san hô với 3 bãi lặn tại Hòn Chim, Vụng Tròn, Ngọc Trai tại xã đảo Thanh Lân. Thông qua việc được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp rực rỡ của biển đảo và thiên nhiên tại Cô Tô, trải nghiệm này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức của những người tham gia trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống.
Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến Cô Tô đạt gần 50.000 lượt người, doanh thu ước đạt 115 tỷ đồng. Những ngày gần đây, thời tiết cả nước liên tục trải qua các đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao, có lúc lên tới 34-36 độ khiến cho nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển của người dân cũng tăng cao. Tính riêng trong dịp cuối tuần, đảo Cô Tô đã đón 5.000-7.000 lượt khách đến lưu trú. Tỷ lệ công suất phòng đạt cao. Nhiều khách sạn, homestay trên đảo đã kín khách đặt phòng các ngày cuối tuần từ nay đến hết tháng 7. Các điều kiện để phục vụ tốt nhất cho du khách cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của huyện.
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hoá, Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô, chia sẻ: Để chuẩn bị đón khách cho mùa du lịch hè 2023, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch với đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực, nghỉ dưỡng; đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai số hóa các tuyến điểm du lịch, các bãi tắm và tên đường tuyến phố; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lĩnh vực văn hóa, du lịch trên môi trường số. Đồng thời, triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch Cô Tô với chủ đề “Cô Tô – Dấu ấn đảo xanh”, sẵn sàng các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Cô Tô mùa thấp điểm như: Tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh liên kết phát triển thị trường khách du lịch, tổ chức các đoàn famtrip, làm việc với công ty lữ hành để giới thiệu điểm đến.
Còn tại Vân Đồn, với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình biển đảo độc đáo, các đơn vị du lịch đã chủ động khai thác các tour tuyến mới trên Vịnh Bái Tử Long để gia tăng trải nghiệm cho du khách, phát huy hiệu quả của Cảng tàu quốc tế Ao Tiên. Đại diện Công ty Du lịch Crystal Holidays cho biết, ngoài các tour truyền thống như Quan Lạn, Minh Châu, Cô Tô, đơn vị đã đưa vào một loạt các tour khám phá biển đảo Vân Đồn như: Ao Tiên – Bản Sen, Ao Tiên – Đảo Phất Cờ, tour du lịch sinh thái khám phá đảo Trà Ngọ – Vườn quốc gia Bái Tử Long, tour trekking xuyên rừng Trà Ngọ, tour thám hiểm hang động… Ngoài ra, còn có các tour tham quan trong ngày hay nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long. Qua đó, đẩy mạnh các tour du lịch độc đáo, giàu trải nghiệm, nhằm đưa miền đất di sản của Quảng Ninh trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của du khách trong và ngoài nước.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Vân Đồn đã đón khoảng 480.000 lượt du khách. Huyện phấn đấu năm 2023 thu hút khoảng 1,4 triệu lượt du khách. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đang tiếp tục triển khai các kế hoạch kích cầu, thu hút khách du lịch, phát huy thế mạnh du lịch biển đảo. Trong đó, đẩy mạnh việc khai thác và quảng bá các sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, các xã đảo theo khu vực; phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái, như: Du lịch tham quan nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng. Huyện cũng sẽ giới thiệu và làm việc với các đơn vị lữ hành để đưa vào một sản phẩm du lịch mới đến du khách như: Tuyến phố đi bộ tại xã đảo Minh Châu và xã đảo Quan Lạn; bãi tắm tại khu du lịch Phương Đông, Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Có thể thấy, làn sóng đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng du lịch đang thực sự tiếp thêm sức sống cho du lịch biển đảo 2 địa phương. Vân Đồn không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, như: Đường 334, đường du lịch xuyên đảo Minh Châu – Quan Lạn, tuyến tàu cao tốc, Cảng tàu cao cấp Ao Tiên… Địa phương còn được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đã và đang hoàn thiện nhiều dự án lớn, làm thay đổi diện mạo du lịch biển đảo, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, kết nối cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Bến xe điện, các khu nghỉ dưỡng trên xã đảo… Còn với Cô Tô, huyện đã hoàn thiện dự án đường xuyên đảo, kết nối khu trung tâm với các điểm đến; khu dịch vụ thương mại rộng 1,3ha; khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ; chỉnh trang Khu Di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô; Cảng tàu khách Cô Tô…
Đặc biệt với việc đưa vào hoạt động Cảng tàu cao cấp Ao Tiên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã đón khoảng 111.000 lượt khách, gần 1.800 chuyến tàu ra các tuyến đảo. Riêng trong thời gian nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4 – 1-5, cảng đã tiếp nhận 353 chuyến tàu vào làm lệnh rời bến, vận chuyển gần 23.000 lượt hành khách ra tham quan, du lịch tại các tuyến xã đảo huyện Vân Đồn, Cô Tô. Để đảm bảo thuận lợi, an toàn cho hành khách ra các tuyến đảo, nhất là đợt cao điểm hè sắp tới, Cảng tàu cao cấp Ao Tiên đã sắp xếp, bố trí 100% cán bộ, nhân viên trực tại các bộ phận, hỗ trợ người dân, du khách đậu đỗ xe, mua vé tàu, sử dụng các dịch vụ tại cảng và di chuyển xuống tàu ra đảo.