Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 11.682 doanh nghiệp (DN), với số vốn đăng ký hơn 198.898 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp của khu vực KTTN vào GRDP của tỉnh năm 2022 đạt 77,09%; phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đạt khoảng 85% vào năm 2030.
Đóng vai trò trụ cột
Để tạo đà cho KTTN phát triển, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành các nghị quyết về kinh tế, gồm: Nghị quyết số 10 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước.
Trên tinh thần các nghị quyết của Trung ương, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời tăng cường, triển khai tốt các chính sách, khuyến khích, hỗ trợ để phát huy thế mạnh và tiềm năng KTTN trong phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Bình Phước tham quan nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại thị xã Chơn Thành
Trong đó, ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương, chính sách của Chính phủ và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ hằng năm nhằm kiểm soát lạm phát, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến hết tháng 6-2023, dư nợ tín dụng đạt 118.766 tỷ đồng, trong đó khu vực KTTN 92.438 tỷ đồng, chiếm 77,85% tổng dư nợ. Bình quân tăng trưởng tín dụng khu vực KTTN đạt 18,45%/năm.
Việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xuất khẩu các nông sản chủ lực của tỉnh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn… góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn từ tháng 6-2017 đến tháng 6-2023, dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 18,7%/năm, dư nợ tín dụng các DN nhỏ và vừa tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, dư nợ tín dụng cho vay xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực (điều, cao su, cà phê) tăng trưởng 26,12%/năm, dư nợ tín dụng cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách tăng trưởng 11,31%/năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Thành, cùng với các chính sách tín dụng, Bình Phước đã thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Khởi nghiệp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, DN khởi nghiệp triển khai các dự án đầu tư kinh doanh, mang lại hiệu quả, nhằm tạo hiệu ứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để phát triển mạnh DN trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 6-2023, tổng dư nợ của quỹ hơn 6,2 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa từ các quỹ khuyến công, quỹ phát triển khoa học – công nghệ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khởi nghiệp được thực thi đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Để đảm bảo KTTN đóng vai trò trụ cột, hoạt động theo cơ chế thị trường, hằng năm Bình Phước thực hiện công tác hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa. Đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục pháp lý về đăng ký thành lập DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, quy trình thủ tục về đầu tư, đấu thầu, công tác tài chính, kế toán và kỹ năng quản trị DN…
Với sự đóng góp tích cực của KTTN, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,53%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến hết năm 2023, nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,84%, công nghiệp và xây dựng chiếm 43,38%, thương mại và dịch vụ 32,78%; thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm 3,64%. |
Đồng hành với kinh tế tư nhân
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, giai đoạn 2016-2020, Bình Phước thu hút được 764 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 56.860 tỷ đồng; từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2023 thu hút được 157 dự án, với số vốn đăng ký 28.929 tỷ đồng. Đáng chú ý, Bình Phước đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút được 148 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 1 tỷ 240 triệu USD; từ năm 2021 đến tháng 6-2023 thu hút được 110 dự án FDI, với số vốn đăng ký 1 tỷ 272 triệu USD; lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 410 dự án FDI, với số vốn hơn 4.244 triệu USD.
Kinh tế tư nhân ở Bình Phước ngày càng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh
Cùng với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, Bình Phước còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đáng chú ý là việc tổ chức, hỗ trợ DN tham gia các hội nghị kết nối cung cầu với các đối tác, địa phương trong khu vực. Vừa qua, Bình Phước còn phối hợp tổ chức “Diễn đàn kết nối DN công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – tỉnh Bình Phước năm 2024”, tạo điều kiện cho DN tiếp cận, tìm kiếm cơ hội với các đối tác đến từ châu Âu.
Đối với hạ tầng giao thông, đến nay Bình Phước cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông nội tỉnh, trong đó các tuyến giao thông huyết mạch và tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa 100%. Tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành trong khu vực hoàn thiện một số dự án trọng điểm kết nối vùng, như: cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; dự án đường Đồng Phú – Bình Dương; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp, thủy lợi… nhằm tạo đà cho KTTN phát triển mạnh mẽ hơn.
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đánh giá rất cao đóng góp của KTTN vào bức tranh tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế nhất định, như: quy mô DN của tỉnh còn nhỏ, chưa có DN đổi mới sáng tạo; Bình Phước nằm xa trung tâm, giao thông còn hạn chế nên chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho rằng, thời gian tới cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như các thủ tục liên quan đến người dân.