GIEO ĐAM MÊ, HÁI QUẢ NGỌT
Năm 2010, chị Lê Thị Hằng quyết định rời quê chồng (Ninh Bình) vào Bình Phước lập nghiệp với 1,7 triệu đồng trong tay. Những ngày đầu trên vùng đất mới, vợ chồng chị phải ở nhờ nhà người thân. Chị bươn chải qua nhiều nghề, từ làm bún, bán cá, bán xăng lẻ đến bán trái cây. Từ sự chăm chỉ và dành dụm, tích lũy, vợ chồng chị mua được mảnh đất ở.
Chị Lê Thị Hằng, một trong hai đại diện Việt Nam tham dự ẩm thực ngành yến toàn cầu tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2024 và giành được giải thưởng phong cách xuất sắc
Trong một lần đi làm ở thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang vào năm 2013, chứng kiến cảnh từng đàn chim yến bay lượn quanh những tòa nhà đã gieo mầm đam mê nuôi yến trong chị. Trở về, chị nhận thấy Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi yến so với các vùng khác như khí hậu thuận lợi, mật độ sông, hồ, cây xanh nhiều là nguồn thức ăn phong phú, đa dạng cho yến sinh sống.
Chị Lê Thị Hằng chuẩn bị cho hoạt động trưng bày dự thi demo cuộc thi ngành yến toàn cầu năm 2024
Bất chấp sự phản đối từ gia đình vì đầu tư vào lĩnh vực “chim trời cá nước”, chị quyết tâm xây nhà nuôi yến. Khi đó, đầu tư xây dựng nhà yến khoảng 1 tỷ đồng, trong khi vợ chồng chị chỉ có hơn 200 triệu đồng. Vậy là chị phải vay mượn ngân hàng, bạn bè. Cha mẹ chị từ can ngăn không được, mà thương con nên đành huy động người thân vào hỗ trợ để giảm phần nào chi phí nhân công. Sau quyết định của mình, chị đã phải làm lụng rất nhiều, mỗi ngày chỉ nghỉ ngơi 2-3 giờ để có tiền “trả nợ đam mê”.
Khi nhà yến xây xong, chim về nhiều, nhưng sau đó khâu kỹ thuật âm thanh không đạt chất lượng nên chim bỏ đi hết. Dù lo lắng, vợ chồng chị vẫn động viên nhau kiên trì. Khi vấn đề kỹ thuật được giải quyết, yến đã trở lại cùng gia đình chị xây thành công như hôm nay. Cầm những tổ yến đầu tiên, niềm hạnh phúc vỡ òa, những khó khăn, gian khổ của đôi vợ chồng cũng qua đi.
Chị Lê Thị Hằng nhận chứng nhận doanh nghiệp tiêu biểu về truy xuất nguồn gốc do Hiệp hội Liên minh quốc tế yến sào cấp tại Hội nghị phát triển ngành yến lành mạnh tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2024
Một sự cộng hưởng thôi thúc chị Hằng gắn bó hơn với nghề nuôi yến đó là từ tình yêu bao la của người mẹ. Năm 2015, chị Hằng mang thai bé thứ hai, khi thai kỳ hơn 7 tháng, em bé được chẩn đoán có nguy cơ nhiễm rubella. Thế nhưng chị vẫn quyết tâm sinh bé. Sau đó chị sinh non, em bé bị bệnh phổi, phải ở viện nhiều hơn ở nhà. Thấy con yếu ớt, chị đã sử dụng yến để bồi bổ cho con. Dần dần bé khỏe hơn nên không còn nhập viện thường xuyên. Chị Hằng kể: “Nhìn con lớn lên khỏe mạnh, tôi càng tin tưởng vào triển vọng nghề yến. Tôi quyết tâm học hỏi, tham gia các sự kiện, tọa đàm, hội thảo, hội nhóm kỹ thuật từ nhỏ đến lớn, từ trong nước đến khu vực và thế giới để tích lũy kinh nghiệm vững chắc, theo đuổi đam mê”.
Chị Lê Thị Hằng cùng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị yến toàn cầu năm 2024 tại Quảng Châu (Trung Quốc)
Những đơn hàng ngoài tỉnh đầu tiên do bạn bè, người quen giới thiệu. Xa hơn là đơn hàng ngoài nước cũng do bạn bè kết nối. Dần dà, do nhu cầu sản xuất và cung ứng ngày càng tăng, chị đã mạnh dạn thành lập Công ty Yến sào Lê Hằng TLC.
KHÁT KHAO KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ YẾN BÌNH PHƯỚC
“Bình Phước là quê hương thứ hai đã nuôi lớn ước mơ của tôi. Vì vậy, mỗi bao bì sản phẩm yến của tôi đều có biểu tượng Thác Mơ, địa danh nổi tiếng của Bình Phước” – chị Hằng chia sẻ.
Với tư duy để khởi nghiệp thành công, chất lượng là yếu tố hàng đầu, trên bước đường khẳng định ước mơ chinh phục các thị trường lớn, Yến sào Lê Hằng TLC liên tục cải tiến máy móc và học hỏi kỹ thuật chế biến từ Malaysia để tạo ra sản phẩm yến chất lượng cao. Hiện sản phẩm của công ty chị đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Chị Lê Thị Hằng trao học bổng cho học sinh khó khăn tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Hớn Quản
Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao chất lượng sản phẩm yến sào của Công ty Yến sào Lê Hằng TLC, đặc biệt là những tiêu chí đã đáp ứng tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp huyện. Qua đó sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và góp phần phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương”.
Mỗi năm, Yến sào Lê Hằng TLC cung cấp ra thị trường hơn 300kg yến, tạo việc làm cho 6 nhân công với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Hằng cho biết: “Trong các hội thảo quốc tế tôi tham dự, chất lượng yến của Việt Nam luôn đứng đầu. Đến nay, Việt Nam đã có 10 công ty được cấp mã xuất khẩu chính ngạch, tôi hy vọng thời gian tới, yến Việt Nam có thể vươn xa hơn để khẳng định giá trị”.
Với phương châm “cho đi là còn mãi”, từ năm 2020 đến nay, chị Hằng vẫn kiên trì góp sức vì cộng đồng qua các chương trình như: tặng quà tết, tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường, bếp cơm thiện nguyện… Hiện chị là thành viên Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh và đồng hành với các chương trình nhân đạo “Khát vọng sống”, “Chia sẻ nỗi đau”, “Chắp cánh ước mơ” do Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước phối hợp tổ chức. |
Đó là lý do dù bận rộn với lịch trình công tác dày đặc, hay những chuyến hành trình nhân ái đến cộng đồng, chị vẫn dành nhiều thời gian để tham gia các sự kiện quốc tế về ngành yến. Gần đây chị được mời tham gia hội nghị toàn cầu tại Trung Quốc và công ty của chị đoạt giải phong cách trong cuộc thi ẩm thực yến sào. Chị còn là đại diện tiêu biểu về nguồn gốc tổ yến tại Hội nghị phát triển lành mạnh của ngành yến sào toàn cầu năm 2024.
Những trái ngọt nêu trên là minh chứng cho khát vọng đưa Yến sào Lê Hằng TLC vươn xa và khẳng định vị thế yến Bình Phước trên bản đồ quốc tế. Dẫu biết “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân” nhưng những nỗ lực chị dành cho ngành yến đã khẳng định chỗ đứng của yến sào Bình Phước trong lòng bạn bè quốc tế. Cùng với đó, văn hóa kinh doanh “sống là cho” của chị được ghi dấu qua hàng trăm sự kiện thiện nguyện mà chị góp sức thời gian qua đã viết nên câu chuyện đẹp về khát vọng, nghị lực và ước mơ trong chăm sóc sức khỏe con người của chị.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166933/tai-nguyen-tu-troi-thanh-cong-tu-nguoi