Tự hào 50 năm xây dựng và phát triển
Là huyện miền núi, Bù Đăng có 31 dân tộc anh em sinh sống với 144.476 người, trong đó có khoảng 40% là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, cùng sự chung tay góp sức của nhân dân, Bù Đăng hôm nay đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Bù Đăng hướng đến cuộc sống xanh, điểm đến bình yên. Trong ảnh: Một góc trung tâm huyện Bù Đăng nhìn từ trên cao
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười cho biết, những năm đầu sau khi tái lập, huyện Bù Đăng gặp rất nhiều khó khăn, bình quân mỗi năm thu ngân sách chỉ hơn 1 tỷ đồng. Giai đoạn 2000-2005, tuy có sự tăng trưởng hằng năm về thu ngân sách, nhưng chi ngân sách vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2005-2010, thu ngân sách bình quân hằng năm đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2010-2015, thu ngân sách bình quân tăng khoảng 3,5%/năm, đạt khoảng 140 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2015-2020, tổng thu ngân sách hằng năm đều tăng cao, bình quân tăng hơn 17%/năm, riêng năm 2020, ngân sách huyện thu hơn 250 tỷ đồng. Từ năm 2021-2024, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 12,5%. Đến nay, thương mại – dịch vụ chiếm 33,6% cơ cấu kinh tế, đạt 98,8% chỉ tiêu nghị quyết; công nghiệp – xây dựng – giao thông chiếm 24,6%, đạt 98,6% chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Khởi công những tuyến đường ở thị trấn Đức Phong qua phong trào “Việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến”
Song song với phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho người dân, Bù Đăng đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo đà cho kinh tế – xã hội bứt phá nhanh, mạnh và bền vững. Theo đó, huyện đã tranh thủ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu phục vụ phát triển địa phương. Tiếp tục nâng cấp, cải tạo, làm mới một số tuyến đường trong huyện và thị trấn Đức Phong. Các tuyến đường liên xã cơ bản được nhựa hóa; 100% thôn có đường sỏi đỏ, đường nhựa hoặc bê tông xi măng.
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Đức Liễu
Từ chương trình làm đường bê tông xi măng theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện đã vận động làm mới được 447km. Đầu tư nâng cấp, xây dựng các trạm và hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn bằng nhiều nguồn vốn. Từ đó đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,86%, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Bù Đăng hiện có 12/15 xã đạt chuẩn NTM tiêu chuẩn, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu đến cuối năm 2025, có 15/15 xã đạt chuẩn NTM, 6/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 100% chỉ tiêu. Cùng với đó, huyện đang phấn đấu đưa thị trấn Đức Phong lên đô thị loại IV và thành lập đô thị Đức Liễu loại V trong thời gian tới. |
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng VŨ VĂN MƯỜI |
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Qua 50 năm phát triển không ngừng, Bù Đăng hôm nay với những con đường rộng mở tiếp tục được hình thành, những ngôi nhà mới, khang trang sáng bừng ánh điện… Hình ảnh ấy cho thấy một nông thôn mới (NTM), một Bù Đăng mới đang trên đà phát triển, đời sống nhân dân ngày càng sung túc.
Sản phẩm OCOP của Bù Đăng đã vươn ra cả nước. Trong ảnh: Hạt điều rang muối, sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã thương mại dịch vụ – sản xuất – kinh doanh nông nghiệp Như Hoàng được người tiêu dùng ưa chuộng
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười cho biết: “Huyện đã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp, tiến hành giải tỏa, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng làm chủ đầu tư tại Cụm công nghiệp Minh Hưng 1 và Minh Hưng 2. Huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng và làm mới một số tuyến đường chính trong huyện và thị trấn Đức Phong. Riêng dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), huyện đã và đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh rà soát hoàn thiện các hồ sơ về giải phóng mặt bằng, xác định số lượng người dân bị ảnh hưởng để lên phương án bố trí tái định cư. Đồng thời, phối hợp xác định hướng tuyến phù hợp, các khu vực xây dựng cầu vượt hầm chui để thuận tiện trong việc đi lại của người dân”.
Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản được huyện chú trọng. Các sản phẩm như sầu riêng, hồ tiêu, điều của hợp tác xã, tổ hợp tác… đăng ký mã vùng trồng ngày càng tăng. Đây là điều kiện để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện. Những cách làm hay, mới của các hợp tác xã chứng tỏ mô hình kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, làm thay đổi nhận thức nông dân, trong đó nhiều mô hình đã khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường.
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười tặng hoa chúc mừng các doanh nhân nữ của huyện
Từ vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa, nay Bù Đăng đã “thay da, đổi thịt” từng ngày, màu xanh phủ khắp núi đồi từ các loại cây công nghiệp. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về tận các ngôi làng, ngõ xóm, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Qua mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đều để lại những dấu ấn sâu sắc, rõ nét, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên. Để huyện ngày càng phát triển theo tinh thần đổi mới sáng tạo, bứt phá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bù Đăng đang chung sức, đồng lòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực sẵn có để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đưa Bù Đăng chuyển mình cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/164981/suc-song-moi-o-bu-dang