Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh đã tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Theo báo cáo tại hội nghị, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ/2.138 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 6 trường hợp tử vong, 10 vụ trên 30 người và 26 vụ dưới 30 người bị ngộ độc. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 4 vụ nhưng tăng 1.432 người bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu liên quan đến vi sinh vật, hóa chất, độc tố tự nhiên, có những vụ không xác định được nguyên nhân.
Từ các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh chưa đầy đủ, chưa thường xuyên, nghiêm túc. Một số cơ sở kinh doanh nông sản nhưng nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng khi cung cấp cho các đơn vị, người dân.
Một số vụ ngộ độc thực phẩm đông người có thể kể đến như: hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà (Sóc Trăng) làm 150 người mắc và đi viện; quán cơm gà Trâm Anh (Khánh Hòa) làm 369 người mắc và đi viện; tiệm bánh mì Cô Băng (Đồng Nai) làm 547 người mắc và đi viện; bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) làm 438 người mắc và đi viện… |
Tại hội nghị, các bộ, ngành liên quan đã báo cáo nhanh tình hình triển khai các quy định pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu; kết quả thực hiện việc kiểm soát thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động vật, thực vật 5 tháng đầu năm 2024.
Hội nghị cũng dành thời gian để các bộ, ngành, địa phương trao đổi về nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới…