Theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch tỉnh Bình Phước được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tích hợp các nội dung, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, thành phố có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, việc lập quy hoạch tỉnh Bình Phước được thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ làm quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 518/QĐ-TTg ngày 16-4-2020.
Quy hoạch tỉnh làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển – Ảnh: TL
Một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đang được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ 2021-2030, các quy hoạch được xây dựng mới theo Luật Quy hoạch (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng) sẽ có tác động trực tiếp đến định hướng phát triển của tỉnh Bình Phước trong những năm tới. Mặt khác, theo yêu cầu của Luật Quy hoạch, việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Phước là để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Sự tác động của bối cảnh quốc tế, trong nước và thực tiễn phát triển của tỉnh đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng mới quy hoạch: Yêu cầu đặt ra từ cách mạng công nghiệp 4.0; Việt Nam tham gia vào một loạt FTA thế hệ mới, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đang triển khai đồng thời đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do lớn là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại và đầu tư; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ – Trung Quốc – EU) sẽ có tác động lớn đến chính sách đầu tư, thương mại của các quốc gia, đặc biệt với Bình Phước có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang đầu tư tại tỉnh.
Kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020 tại Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai đảm bảo tiến độ, đúng định hướng. Tỉnh đã khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên và lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế với mức tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư.
Quy hoạch tỉnh làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển – Ảnh: Phú Quý
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch, vẫn còn có những vướng mắc, nhất là sự chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch (quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng…); một số quy hoạch xác định số lượng sản phẩm không đảm bảo được tính thị trường, không linh hoạt trong quá trình thực hiện… Do vậy, các quy hoạch cần phải tích hợp để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Công tác quy hoạch có những bất cập, việc quản lý đầu tư ở một số lĩnh vực theo quy hoạch còn hạn chế, thiếu quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư, quy hoạch tổng thể có một số định hướng chưa sát, nhất là dự báo tác động của các yếu tố bên ngoài. Tầm nhìn của một số dự án quy hoạch và lĩnh vực kinh tế còn hạn hẹp, không theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị, vai trò định hướng cho công tác kế hoạch còn chưa rõ. Một số định hướng đã nêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006-2020 đã không còn phù hợp.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa lý của tỉnh trong tình hình mới, cần thiết phải xây dựng các định hướng phát triển mới cho Bình Phước trong thời gian tới. Do vậy, việc nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là rất cần thiết theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế – xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội để xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh phát triển năng động và có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/555/164456/quy-hoach-tinh-la-can-cu-khoa-hoc-va-thuc-tien-de-to-chuc-khong-gian-va-ke-hoach-phat-trien