Giữ vững thương hiệu
Lộc Ninh đã góp phần đưa Việt Nam trở thành “vương quốc hồ tiêu” với hơn 30% sản lượng thế giới và 50% thị phần xuất khẩu. Năm 2014, hồ tiêu Lộc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” và bảo vệ tổng thể tại Việt Nam. Để có thương hiệu là quá trình nỗ lực của nông dân trồng hồ tiêu Lộc Ninh và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là kinh nghiệm của những nông dân trồng tiêu giỏi. Năm 2010, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam vinh danh 12 người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, trong đó huyện Lộc Ninh có 6 người.
Nhà vườn đang thu hoạch tiêu tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Nguyễn Tuyền
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Lộc Ninh, năm 2012, toàn huyện có 3.873 ha hồ tiêu, chiếm 40% diện tích và gần 50% sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh, năng suất trung bình 3-4 tấn/ha. Thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh đã được bảo hộ là nền tảng vững chắc để người trồng tiêu yên tâm gắn bó với loại cây trồng này, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa hồ tiêu Lộc Ninh đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong xu thế hội nhập, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nông dân cũng chuyển đổi mô hình sản xuất, hướng đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Và nông dân trồng hồ tiêu Lộc Ninh cũng không ngoài xu thế này. Giai đoạn 2014-2024, trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã thành lập 24 câu lạc bộ trồng tiêu sạch với hơn 600 thành viên, tổng diện tích 645 ha. Hằng năm, các câu lạc bộ trồng tiêu sạch đã đăng ký cung ứng gần 1.180 tấn hạt tiêu khô, tiêu sạch với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Bình Phước. Bên cạnh đó, có 8 hợp tác xã sản xuất tiêu với tổng diện tích hơn 250 ha. Các câu lạc bộ, hợp tác xã đã góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng tiêu, đảm bảo nguồn tiêu sạch cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc. Qua truy xuất, người tiêu dùng có đầy đủ thông tin, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Do đó, để khẳng định thương hiệu thì các chủ thể sản phẩm phải tuân thủ những khuyến cáo của chính quyền, ngành nông nghiệp, đồng thời kiểm soát nghiêm chất lượng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Phát huy nhãn hiệu tập thể
Để phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” và gia tăng giá trị xuất khẩu hồ tiêu, mở rộng thị trường, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan… thì các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và truy xuất nguồn gốc đòi hỏi rất cao. Vì vậy, sản xuất hồ tiêu hữu cơ bền vững là giải pháp mà nông dân trồng hồ tiêu cần hướng đến. Và để thương hiệu hồ tiêu phát huy hiệu quả hơn nữa, huyện Lộc Ninh đang vận động thành lập Hội hồ tiêu Lộc Ninh, tạo sự liên kết trong thu mua, chế biến, xuất khẩu, đầu tư; đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nông – doanh nghiệp – nhà khoa học và Nhà nước) để tạo ra sản phẩm chất lượng, ổn định, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Sau khi thu hoạch, tiêu được sơ chế cẩn thận và đưa vào chế biến chuyên sâu
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ chế biến chuyên sâu các sản phẩm hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Tuyền
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang có nhiều sản phẩm đa dạng
Ông Lê Văn Thuận ở ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang cho biết: “Gia đình tôi trồng tiêu hơn 15 năm nay. Trải qua nhiều giai đoạn biến động của thị trường nhưng gia đình vẫn quyết tâm gắn bó với cây tiêu. Được Chi hội Nông dân ấp vận động, tôi hướng đến sẽ tham gia Hội hồ tiêu Lộc Ninh để phát triển bền vững. Tôi nghĩ đây là hoạt động rất thiết thực để nông dân trồng tiêu có cơ hội kết nối với người tiêu dùng, đặc biệt là tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, chăm sóc cũng như kiến thiết vườn cây”.
Thời gian gần đây, giá tiêu có dấu hiệu phục hồi. Đây là thông tin phấn khởi cho người trồng tiêu, cũng là cơ hội để các cấp, ngành tăng cường thúc đẩy thương hiệu “Hồ tiêu Lộc Ninh” phát triển. Hiện tổng diện tích hồ tiêu Bình Phước tăng lên gần 13.000 ha, trong đó Lộc Ninh có 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 19,17 tạ/ha.
Bà Vũ Thị Thuận ở ấp Bù Tam, xã Lộc Quang cho biết: “Gia đình tôi có 1 ha tiêu trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Năng suất thu hoạch trung bình 4 tấn. Nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” đã mở ra hướng phát triển cây tiêu bền vững, đầu ra ổn định và giá cả tốt so với thị trường nên nguồn thu từ cây tiêu mang lại cho gia đình luôn ổn định”.
Để nâng cao giá trị hồ tiêu, giảm bớt khó khăn cho nông dân cũng như phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho rằng, các đơn vị cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến danh tiếng, chất lượng và nhãn hiệu “Hồ tiêu Lộc Ninh”. Các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ để nông dân trồng tiêu xây dựng chuỗi phân phối, cung ứng sản phẩm hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” trong và ngoài nước.
Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời để nông dân chủ động sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững. Những sản phẩm từ hồ tiêu phải đảm bảo chất lượng để giữ vững thương hiệu, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hỗ trợ nông dân trồng tiêu để tạo ra vùng nguyên liệu, các sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh HOÀNG NGỌC ANH |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/161945/phat-trien-thuong-hieu-ho-tieu-loc-ninh