Bài 2:
“CẦM VÀNG ĐỪNG ĐỂ VÀNG RƠI”
BPO – Khi ngày càng có nhiều thương hiệu, những quy chuẩn mới ra đời, doanh nghiệp chạy theo các tiêu chuẩn của từng thị trường khác nhau trên thế giới, cùng với sự tuyên truyền mờ nhạt khiến sản phẩm hạt điều Bình Phước có chỉ dẫn địa lý (CDĐL) dù giá trị ưu việt vẫn khó tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng và trên thị trường.
Chưa khẳng định được chỗ đứng
Từ những giá trị thực tế cây điều mang lại trong nhiều lĩnh vực cho tỉnh Bình Phước, loại cây này đã “bước vào” các quyết sách, chiến lược phát triển kinh tế quan trọng của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương. Bình Phước đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính cho ngành điều với 200.000 ha điều vào năm 2020. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15-4-2020 của Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định mục tiêu xây dựng và phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín, theo hướng chuyên sâu.
Hoạt động sản xuất, chế biến hạt điều được các công ty trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy trình, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Thực tế những năm trở lại đây, ngành nông nghiệp của tỉnh có sự dịch chuyển cơ cấu cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây điều. Đến nay, diện tích điều đang bị thu hẹp chỉ còn khoảng 140.000 ha. Cùng với đó, giá nguyên liệu điều thô cũng thấp so với các loại nông sản khác. Đây là vấn đề trăn trở của người trồng điều và của tỉnh trong thời gian qua.
Một khâu chế biến hạt điều chuyên sâu tại Công ty THHH Vinahe (Phước Long)
Mặc dù CDĐL hạt điều Bình Phước có giá trị trong nước và quốc tế, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của sản phẩm hạt điều có CDĐL vẫn còn mờ nhạt. Nếu so sánh với các sản phẩm hạt điều trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong nước nói chung nhưng có thương hiệu là sản phẩm OCOP, thì sản phẩm hạt điều Bình Phước có CDĐL hầu như không mấy ấn tượng với người tiêu dùng. Bởi, thực tế người tiêu dùng chưa hiểu hết sản phẩm hạt điều có CDĐL có ưu điểm gì so với các nhãn hiệu, thương hiệu khác. Chị Trần Thị Hường ở khu phố 1, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: Điều là một trong những loại hạt được tôi đưa vào thực đơn hằng ngày để chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, khi lựa chọn sản phẩm hạt điều tôi căn cứ vào các tiêu chí như mức độ tin cậy của đơn vị sản xuất, sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn, thương hiệu nào… Tuy nhiên, với sản phẩm hạt điều Bình Phước có CDĐL tôi hầu như không biết đến, trong khi sản phẩm OCOP lại được nghe và giới thiệu nhiều hơn.
Theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp có sản phẩm hạt điều được cấp CDĐL không phủ nhận ưu điểm của các sản phẩm mang thương hiệu khác nhưng phải thừa nhận rằng sản phẩm hạt điều Bình Phước được cấp CDĐL có chất lượng rất tốt, nhiều điểm cộng cho người tiêu dùng. Để được cấp CDĐL phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe; sau khi được cấp CDĐL phải kiểm tra, đánh giá thường xuyên… nếu không thực hiện đúng sẽ bị thu hồi CDĐL.
Có thể thấy, dù ra đời trước và có nhiều ưu điểm, giá trị vượt trội nhưng ở góc độ tiếp cận thị trường, tiếp cận người tiêu dùng thì sản phẩm hạt điều Bình Phước có CDĐL có phần “yếu thế” hơn so với các thương hiệu, nhãn hiệu ra đời sau ở trong nước. Để có chỗ đứng bền vững trong lòng người tiêu dùng và trên thị trường là điều trăn trở rất lớn của các doanh nghiệp, địa phương là vùng trồng nguyên liệu được cấp CDĐL cũng như cơ quan chức năng đang quản lý CDĐL hạt điều Bình Phước.
Những “nút thắt”
Những năm gần đây, người trồng điều đối mặt với nhiều rủi ro. Từng là hộ có diện tích điều lớn ở thôn 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng, bà Nguyễn Thị Trang cho biết: “Biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường khiến cây điều ngày càng phát sinh nhiều dịch bệnh, giảm nghiêm trọng năng suất, chất lượng hạt. Giá thành đầu tư, chăm sóc, sản xuất đối với cây điều ngày càng cao. Trong khi giá điều thô nhiều năm liền duy trì ở mức thấp. Điều này khiến người trồng điều bị lỗ. Giá trị kinh tế từ cây điều kém hiệu quả so với các loại cây trồng khác nên nhiều người dân đã chuyển đổi cây trồng. Đến nay, gia đình tôi chuyển đổi 7 ha điều qua trồng cây cao su, hiện chỉ còn khoảng 1 ha điều”. Ngoài ra, việc đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích cây điều.
Các chuyên gia của Công ty Futaba Sankyo (Nhật Bản) nghiên cứu quá trình cải tạo đất tại vườn điều của Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú
Việc quy hoạch và hình thành các hợp tác xã, vùng trồng điều lớn chưa nhiều, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến nên khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng. Từ đó, dẫn tới đa số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạt điều trên địa bàn tỉnh không có hoặc khó khăn khi tìm vùng nguyên liệu cung cấp hạt điều Bình Phước đáp ứng đầy đủ điều kiện của CDĐL, mà phải thu mua thông qua thương lái. Có một số trường hợp liên kết được với các hộ trồng điều nhưng còn mang tính hình thức. Bản thân các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng CDĐL cũng thiếu sự liên kết sản xuất với nhau để tạo thế mạnh cho sản phẩm mang CDĐL trên thị trường.
Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng (huyện Phú Riềng) cho biết: Gia đình tôi có diện tích trồng điều lớn và là thành viên Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng. Nhiều năm nay, công ty với vai trò là thành viên đồng thời liên kết với hợp tác xã cung cấp nguyên liệu điều sạch để sản xuất, chế biến các sản phẩm hạt điều và đã có chứng nhận OCOP. Năm 2023, công ty tìm hiểu và làm hồ sơ đối với CDĐL hạt điều Bình Phước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu dù sản phẩm có CDĐL rất nhiều ưu điểm nhưng thực tế nhu cầu kinh doanh của công ty chưa cần thiết.
Những thị trường mà công ty tham gia cung ứng sản phẩm trên thế giới không có yêu cầu về tiêu chí liên quan đến CDĐL hạt điều Bình Phước. Đơn vị chỉ cần đáp ứng tất cả quy định, tiêu chí quốc tế hoặc vùng, lãnh thổ thị trường đó quy định. Do đó, đơn vị đã rút hồ sơ và chưa tham gia CDĐL hạt điều Bình Phước. |
ÔNG VŨ MẠNH TÙNG, Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng |
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp còn do dự khi tham gia CDĐL hạt điều Bình Phước là vì chưa mang lại lợi ích, lợi thế ngay lập tức về giá cả trên thị trường. Ngược lại, phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm hạt điều cùng loại không có CDĐL nhưng có những nhãn hiệu khác. Thậm chí do việc quản lý lỏng lẻo trong cách đặt tên các sản phẩm có “gắn mác” thể hiện nội dung là “Đặc sản Bình Phước”, “Hạt điều Bình Phước” của một số gia đình, tiểu thương buôn bán tự do tự đặt để có được niềm tin với người tiêu dùng… Vì những nguyên nhân này nên nhiều doanh nghiệp lúc đầu rất tâm huyết với CDĐL nhưng về sau không còn mặn mà.
Không thể phủ nhận giá trị sản phẩm được cấp bảo hộ CDĐL hạt điều Bình Phước. Nhưng lại ít người tiêu dùng và doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đủ về giá trị của CDĐL hạt điều Bình Phước. Do đó, dù đã được cấp CDĐL hạt điều Bình Phước từ năm 2018 nhưng đến nay các sản phẩm có CDĐL hạt điều Bình Phước còn ít, đơn điệu; mức độ nhận diện giá trị, thương hiệu sản phẩm CDĐL hạt điều Bình Phước trong lòng người tiêu dùng và thị trường không cao. Dân gian có câu “Cầm vàng đừng để vàng rơi”, trước những tiềm năng, thế mạnh mà CDĐL hạt điều Bình Phước mang lại, rất cần cấp có thẩm quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp ngành điều và cả người trồng điều chung tay phát huy lợi thế này, đừng để CDĐL hạt điều Bình Phước bị “lãng quên” theo thời gian.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/161427/phat-huy-chi-dan-dia-ly-hat-dieu-binh-phuoc