Ở Bình Phước, việc “bắt tay” giữa cơ sở GDNN và DN được triển khai tại một số cơ sở GDNN, đây được xem là hướng đi phù hợp.
Tăng cường định hướng nghề nghiệp
Vừa qua, đông đảo học sinh và phụ huynh tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS năm 2024 bằng hình thức trực tiếp. Các khách mời của chương trình đã mang đến cho học sinh và phụ huynh cái nhìn tổng quan về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, cũng như thông tin ngành nghề ở các cơ sở GDNN, nhu cầu tuyển sinh, tình hình lao động tại tỉnh, cơ hội việc làm, thị trường lao động… Em Phạm Hữu Phước, học sinh Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp rất có ý nghĩa đối với em cũng như các bạn học sinh lớp 9. Chương trình giúp chúng em nắm thêm những định hướng nghề nghiệp, nhu cầu ngành nghề của xã hội.
Đông đảo học sinh và phụ huynh Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS năm 2024 – Ảnh: Trương Hiện
Bình Phước phấn đấu ít nhất 28% năm 2024; 30% năm 2025 học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Xác định công tác tư vấn, hướng nghiệp học sinh có vai trò quan trọng để các em lựa chọn con đường nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp năng lực, trình độ bản thân cũng như điều kiện gia đình, thời gian qua các cơ sở giáo dục tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp bằng nhiều hình thức. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú Nguyễn Viết Tuyên nhấn mạnh: Học sinh THCS là lứa tuổi cần được tư vấn để các em định hướng nghề nghiệp sau này. Mỗi học sinh có năng lực, sở trường khác nhau nên việc định hướng chọn ngành nghề tương lai rất quan trọng để các em phát huy bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường lao động.
Một giờ học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Ninh – Ảnh: Trương Hiện
Gắn kết nhu cầu thị trường
Xác định tầm quan trọng việc gắn kết đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của DN, những năm qua, Trường cao đẳng Miền Đông (TP. Đồng Xoài) đã kết nối với DN trong và ngoài hệ thống Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giúp học sinh, sinh viên tiếp cận sớm thị trường lao động. Năm 2024, trường đã ký kết với các DN ngoài tập đoàn cùng tham gia quá trình đào tạo; tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập và xây dựng giải pháp tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. Ông Nguyễn Huy Đào, Phó Hiệu trưởng trường khẳng định: Trường rất quan tâm công tác thực hành, thực tập cũng như việc trải nghiệm tại DN cho học sinh, sinh viên. Ngoài liên kết với DN để giúp các em có hướng thực tập chuyên sâu, thực tập cơ sở trước, trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan DN để trải nghiệm, nắm bắt thị trường lao động… để sau tốt nghiệp các em có thể đi làm ngay.
Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Trong ảnh: Thầy và trò Trường cao đẳng Miền Đông trong một tiết học thực hành – Ảnh: Trương Hiện
Theo các DN, việc đào tạo nghề gắn với thị trường lao động là hướng đi tối ưu. Việc gắn kết đào tạo và hướng nghiệp giữa nhà trường và DN là xu hướng đào tạo nghề hiệu quả, thiết thực, qua đó tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ngay tại địa phương. Anh Trần Quang Vũ, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Jason Furniture Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Xoài III chia sẻ: Tỉnh Bình Phước đang kêu gọi đầu tư từ các công ty FDI, do vậy cần nguồn cung ứng lao động chính đã được đào tạo qua trường lớp. Tôi lấy ví dụ công ty có quy mô lên đến vài trăm công nhân thì không chỉ ngành nghề sản xuất của họ mà còn rất cần thợ bảo trì, thợ điện, thợ hàn,… đó là những ngành nghề bất kỳ công ty nào cũng cần. Tôi mong các cơ sở đào tạo nghề chú trọng hơn những ngành nghề phục vụ công nghiệp và phù hợp định hướng phát triển của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
“Chìa khóa” đáp ứng yêu cầu hội nhập
Việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN đã mang đến những hiệu quả thiết thực, góp phần đưa mối quan hệ DN và cơ sở đào tạo từng bước chuyên nghiệp hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thích ứng nhanh hơn với thị trường lao động. Ông Trần Duy Khánh, Giám đốc Nhà máy Đồng Xoài, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Khi được học tập, đào tạo tại tỉnh cùng với đó là có thời gian thực tập, cọ xát tại DN, các em sẽ tự tin làm việc sau khi ra trường. Nhà máy luôn quan tâm, ưu tiên, nhất là lao động ở địa phương vì họ có sự gắn bó bền vững hơn với nhà máy.
Thời gian qua, các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Đồng Xoài, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình trong giờ làm việc – Ảnh: Trương Hiện
Nếu như trước đây, hệ thống GDNN của Bình Phước còn khá khiêm tốn thì hiện nay trên địa bàn tỉnh hiện diện nhiều cơ sở GDNN, trong đó có 2 trường cao đẳng. Cơ sở vật chất, hạ tầng các trường được quan tâm đầu tư; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đào tạo; ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh, qua đó nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngày càng tăng. Trong ảnh: Một tiết học thực hành tại Trường cao đẳng Bình Phước – Ảnh: Trương Hiện
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh từng bước được sắp xếp phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời đổi mới sáng tạo trong quá trình hoạt động; tăng cường hợp tác với DN ở nhiều nội dung và hình thức liên kết, gắn kết GDNN với thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như chú trọng hơn đến kỹ năng của người học. Em Trần Văn Trình học viên Trường cao đẳng Bình Phước cho biết: Trước đây, em có suy nghĩ sẽ học lên đại học. Nhưng sau khi được các chuyên gia tư vấn, gia đình hỗ trợ và bản thân nhận thấy phù hợp với lĩnh vực điện công nghiệp, điện – điện tử nên em đã chọn ngành này. Khi đã lựa chọn ngành học, mình phải thật cố gắng, tập trung tiếp thu kiến thức, kỹ năng thì sau này mới thành công.
Việc đổi mới, nâng cao và áp dụng đồng bộ các giải pháp trong GDNN của các đơn vị sẽ mang lại hiệu quả rất cao, không chỉ chất lượng đào tạo được nâng lên mà còn tạo nền tảng cho học viên trước khi tham gia thị trường lao động. Trong quá trình học tập, các em được trải nghiệm thực tế tại DN, từ đó thích ứng nhanh trong bối cảnh tỉnh đang thu hút rất nhiều DN về đầu tư trên địa bàn. Qua đó tạo được nguồn lực chất lượng, sẵn sàng đáp ứng sự phát triển kinh tế của tỉnh. |
Bà PHẠM THỊ MAI HƯƠNG Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội |
Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Bình Phước ước đạt 67%, tăng 2 điểm % so với năm 2023. Năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tăng 3 điểm % so với năm 2024. Để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các cơ sở GDNN; tạo cơ chế thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của DN cũng như đáp ứng thị trường lao động.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/166364/nha-truong-va-doanh-nghiep-bat-tay-dao-tao-nghe