Hội nghị với sự tham gia của hơn 300 cán bộ, chuyên viên các Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ các tỉnh, thành khu vực phía Nam và một số địa phương, đơn vị khu vực phía Bắc. Đoàn Bình Phước do Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Thị Lanh làm trưởng đoàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật năm 2023
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới đã thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật. Thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà trong 15 năm qua diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực đáng trân trọng.
Nội dung tập huấn gồm 6 chuyên đề: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; khái quát về tình hình văn học hiện nay; công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay, thực trạng và yêu cầu phát triển; đổi mới hoạt động của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương trước yêu cầu mới; bàn về nhân vật trung tâm của văn học hiện nay; công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Thông qua lớp tập huấn giúp học viên nâng cao nhận thức các quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật nói chung, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trước yêu cầu mới. Trên cơ sở đó, vận dụng, phát huy hiệu quả vào công tác thông tin, tuyên truyền, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng; góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tập huấn, các học viên sẽ đi thực tế một số di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh Đắk Lắk như Bản Đôn, Hồ Lắk. Kết thúc tập huấn, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương sẽ trao chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho các học viên tham gia.