Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư năm 2024 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
Đây là những nội dung quan trọng, được đại biểu HĐND tỉnh và đông đảo cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh giảm trên 1.460 tỷ đồng để trích bổ sung nguồn cải cách tiền lương còn thiếu ngân sách cấp tỉnh năm 2022, bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp có nhu cầu vốn đã vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn và xử lý theo quy định tại Điều 72 Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời, tăng nguồn vốn tài trợ của TKV 245 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi tỉnh Quảng Ninh.
Đối với nguồn vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh giảm trên 155 tỷ đồng phần vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn đầu tư công; bổ sung nguồn vốn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2023 trên 732 tỷ đồng sang chi đầu tư phát triển để phân bổ vốn hỗ trợ vốn chấm điểm cho các địa phương tự cân đối ngân sách và hỗ trợ đầu tư xây dựng 16 trụ sở công an xã tại TX Đông Triều và TP Móng Cái; điều chỉnh giảm gần 500 tỷ đồng của 12 dự án (dự án cầu Tình Yêu; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 giai đoạn 1; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu tái định cư, khu hành chính xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; 4 trường học theo tiêu chí chất lượng cao tại Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn…) được bố trí vốn ngân sách tỉnh năm 2023 do tiến độ giải ngân chậm để phân bổ cho 18 dự án có khối lượng hoàn thành, tỷ lệ giải ngân lớn và các dự án khởi công mới (đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn; tuyến đường nút giao Đầm Nhà Mạc đến KCN Bắc Tiền Phong; đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương…).
Theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, việc điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư công thực sự cần thiết và cấp bách, đảm bảo theo đúng luật định, nhất là đối với nhiều dự án được bố trí nguồn vốn năm 2023 chưa thể giải ngân do vướng mắc GPMB, nguồn đất đắp, bãi đổ thải, dẫn đến có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch để bổ sung vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án quan trọng, trọng điểm thuộc các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ các địa phương đầu tư các dự án động lực có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế của địa phương để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Từ những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
Việc sửa đổi lần này đảm bảo mục tiêu khơi thông các nguồn lực, khắc phục những bất cập trong giải ngân nguồn vốn, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vấn đề vướng mắc bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công, về quản lý ngân sách và các quy định pháp luật khác.
Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/NQ-HĐND sẽ đảm bảo nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền khoa học, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với ràng buộc trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực, kiểm soát rủi ro trong tham nhũng, tiêu cực; không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin – cho; duyệt – cấp”.