Với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình kết nối tiêu thụ, tuần xúc tiến, hội chợ, triển lãm… Qua đó, giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, Sở đã chú trọng hỗ trợ các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao tham gia các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là 565 sản phẩm. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT. Điển hình như, sàn TMĐT Voso có 160/334 sản phẩm đạt 60%; sàn TMĐT Postmart 108/334 sản phẩm đạt 40,4%; riêng sàn giao dịch TMĐT tỉnh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10.000 lượt truy cập, số lượng đơn đặt hàng gần 300 đơn. Các sản phẩm bán chạy bao gồm: Trà hoa vàng, miến dong Bình Liêu, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Cái Rồng… Đây được coi là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP hiệu quả và là “cánh tay” nối dài giúp các sản phẩm OCOP vươn xa hơn tới nhiều thị trường ngoài tỉnh.
Cũng từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tổ chức thành công 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin 23 chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu đăng ký tham gia.
Thông qua các hội chợ, triển lãm, sản phẩm OCOP Quảng Ninh luôn nhận được sự ưu tiên tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn Móng Cái và các sản phẩm sau chế biến từ thịt lợn Móng Cái; hải sản các loại như mực khô, mực một nắng, tôm bóc nõn, cá chỉ vàng…; sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản như ruốc cá, ruốc hàu, ruốc tôm…, nước mắm sá sùng…; các sản phẩm từ trà hoa vàng…
Thời gian tới, để sản phẩm OCOP của tỉnh có thể tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa, Sở Công Thương cũng đã có văn bản gửi Trung tâm Phát triển thương mại điện tử – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xem xét, phối hợp tổ chức hai hội nghị tập huấn về TMĐT liên quan đến nội dung thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới qua Alibaba và thúc đẩy xuất khẩu biên giới qua Amazon với quy mô khoảng 200 đại biểu/hội nghị, dự kiến sẽ được tổ chức trong quý III, IV năm 2023.
Theo lộ trình đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phát triển chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại ở trong và nước ngoài… Qua đó, góp phần nâng tầm cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh và tạo tiền đề để các sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở nhiều thị trường tiềm năng.