Anh Nguyễn Chí Giang sử dụng cả hệ thống ao đất và bể bạt tự tạo để nuôi ốc
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Giang tham khảo nhiều mô hình để phát triển kinh tế. Đầu năm 2024, trong một lần đi thăm người thân tại tỉnh Ninh Bình, được tiếp cận việc nuôi ốc nhồi, anh Giang nhận thấy đây là mô hình phù hợp điều kiện gia đình cũng như khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước. Ốc nhồi còn là loại thực phẩm dễ chế biến, dễ ăn, được nhiều người ưa thích nên anh quyết định học hỏi kinh nghiệm để đầu tư xây dựng mô hình này.
Trở về Bình Phước, chọn khu đất của gia đình cạnh hồ Suối Giai thuộc ấp 5, xã Tân Lập, anh đầu tư 300 triệu đồng đào 6 cái ao, với diện tích khoảng 180m2/ao. Tận dụng khu đất trống, anh hàn 45 khung sắt, mỗi khung có diện tích từ 12-18m2; sau đó lót bạt, bơm nước tạo bể để nuôi ốc nhồi.
Theo anh Giang, để một vụ ốc thành công, người nuôi cần nắm rõ kỹ thuật, theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển của ốc. Đồng thời thường xuyên vệ sinh ao nuôi bởi ốc rất mẫn cảm với nước bẩn; điều chỉnh độ pH, chất dinh dưỡng phù hợp để mình ốc béo, miệng đầy mới đạt năng suất cao. Trước khi nuôi ốc nhồi, ao cần được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bởi môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng, quyết định tỷ lệ sống của ốc. Sau đó, thả ốc giống với tỷ lệ khoảng 200 con/m2 mặt nước. Định kỳ, mỗi tháng phải xử lý ao nuôi 2 lần bằng các chế phẩm sinh học.
Lứa nuôi đầu tiên, anh Giang mua 20kg trứng ốc giống tại tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, anh thực hiện ấp, trứng nở khoảng 20-25 ngày thì thả vào ao nuôi. Thời gian nuôi khoảng 3-4 tháng là cho thu hoạch, ốc giống đưa vào nuôi theo hướng gối đầu nên có thể thu hoạch quanh năm. Thức ăn cho ốc khá phong phú và dễ tìm trong tự nhiên gồm các loại rau, củ, quả, như: lá sắn, bèo tấm, bèo cái, xơ mít, đu đủ… Tùy số lượng nuôi, khoảng 3-4 ngày phải bổ sung thức ăn cho ốc một lần. Hằng ngày, anh Giang còn sử dụng hệ thống tưới nước tự động để bổ sung nguồn nước sạch cũng như chống nắng nóng giúp ốc phát triển tốt. Tùy theo ngày tuổi và sự phát triển của ốc, ốc nhỏ khoảng 20 ngày cần thay nước một lần, ốc lớn thì khoảng 15 ngày. Để bảo đảm nguồn thức ăn ổn định cho ốc, anh Giang tận dụng diện tích mặt nước nuôi bèo tấm, bèo cái. Trước khi thả bèo, anh xử lý nguồn nước, sau đó bón phân định kỳ để bèo phát triển tốt.
Theo anh Giang, người nuôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của ốc, kịp thời phát hiện bệnh để điều trị sớm
Anh Giang chia sẻ: Ốc nhồi thường bị bệnh đường ruột, sưng vòi, mòn vỏ… Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của ốc, kịp thời phát hiện bệnh để điều trị sớm.
Vụ ốc đầu tiên, anh thu khoảng 3 tấn, xuất bán cho các vựa ốc tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, giá dao động từ 60-70 ngàn đồng/kg, cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Để mở rộng mô hình, anh thuê 6 ha cao su tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương để múc rãnh xen kẽ trong các hàng cao su với chiều ngang khoảng 4m, sâu 1m. Sau đó, lót bạt, bơm nước, thả bèo để nuôi ốc. Lứa ốc thứ 2, anh đầu tư 150kg ốc giống, tương đương khoảng 110.000 con. Hiện ốc đang phát triển tốt, dự kiến thu khoảng 20 tấn, lãi gần 1,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, anh Giang còn đầu tư cơ sở nuôi ốc giống tại ấp 6, xã Tân Lập với 24 bể bạt. Từ cơ sở này, anh sẽ sản xuất ốc giống ra thị trường. Anh Giang cũng sẵn sàng hướng dẫn xây dựng mô hình, quy trình kỹ thuật cho người dân có nhu cầu.
Những năm gần đây, phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, vượt khó phát triển kinh tế được tuổi trẻ huyện Đồng Phú tích cực hưởng ứng. Với khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với bản tính chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhạy bén với thị trường, mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Chí Giang khá mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học tập. Chị Trần Phạm Thị Phương Thảo, Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/171311/lap-nghiep-tren-que-huong