THỦY CHUNG VỚI CÂY NHÃN
Những năm đầu đến lập nghiệp ở ấp Thanh An, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến trồng 4 ha nhãn tiêu da bò. Giống nhãn này có đặc điểm cơm dày, hạt nhỏ như hạt tiêu, vỏ màu vàng như da bò, vị ngọt thanh được nhiều người ưa chuộng.
Vườn nhãn của hộ ông Nguyễn Văn Tiến ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương đang ra hoa xổ nhụy
Do cây nhãn trồng 3 năm mới cho thu hoạch đợt trái đầu tiên nên khi cây còn nhỏ, ông Tiến trồng xen một số cây ngắn ngày như bắp, đậu để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, vườn nhãn của ông Tiến đã trồng 25 năm, gốc to cổ thụ, cây cao khoảng 8-9m. Khi mới trồng, cây còn nhỏ nên mật độ trồng 400 cây/ha. Những năm về sau, ông cưa bớt để cây xòe tán rộng, với mật độ 100 cây/ha. Ông Tiến cho biết, cây nhãn tiêu da bò cho năng suất cao hơn so với một số cây trồng khác, bình quân mỗi hécta cho thu hoạch từ 10-15 tấn. Tuy vậy, người trồng phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc thì cây mới đạt năng suất cao.
Vườn nhãn của hộ ông Nguyễn Văn Tiến (trái) đang ra hoa xổ nhụy
Vào tháng 5, vườn nhãn của ông Tiến nở rộ hoa. Để vườn nhãn ra hoa đều, ông Tiến chăm sóc vườn ngay sau khi thu hoạch. Sau thu hoạch nhãn khoảng 1 tháng, ông thường cắt tỉa cành già, cành sát mặt đất cho khu vườn thông thoáng. Cây nhãn thường suy yếu sau một mùa mang trái. Trong giai đoạn này, cây cần được bón phân phục hồi, mỗi gốc bón từ 3-5kg lân để tạo bộ rễ mới, kết hợp tưới nước giữ ẩm. Vào tháng 2 hằng năm, ông phát cỏ cho khu vườn và để hoai mục tại chỗ làm phân hữu cơ.
Ông Tiến cho biết: “Trong vườn không nên phát cỏ quá sạch mà giữ một lớp thảm cỏ thực vật, lá khô quanh gốc. Mục đích giữ độ ẩm trong đất, giúp cây phát triển xanh tốt. Hạn chế dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trên vườn. Vì nếu làm cỏ sạch, côn trùng sẽ bay lên cây gây hại, còn xịt thuốc trừ sâu nhiều thì cây sẽ suy yếu”.
Nhờ trồng nhãn, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (phải) có nguồn thu gần 500 triệu đồng mỗi năm
Mỗi năm, ông Tiến thường phát cỏ 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Còn thuốc trừ sâu chỉ phun khi trái nhãn vào cơm, phòng ngừa sâu đục trái. Sau khi phát cỏ, ông Tiến xử lý kích thích cho cây nhãn bung đọt non. Thời điểm mùa khô nên tưới lần đầu cho vườn ướt đẫm. Những lần tưới tiếp theo cách nhau 3 ngày, lượng nước vừa đủ độ ẩm, kết hợp bón phân NPK cho cây hấp thụ dinh dưỡng.
Ông Tiến chia sẻ: “Khi xử lý cho cây bung đọt non thì bón phân hỗn hợp, với hàm lượng đạm cao. Còn xử lý cho cây ra hoa thì bón chủ yếu kali, hàm lượng chiếm 90% để kích thích bật mầm hoa. Khoảng 15 ngày sau khi bón phân kích thích ra hoa, cây nhãn được khoanh vỏ, siết nước, kích thích trổ hoa. Lưu ý chỉ nên khoanh khoảng từ 2/3 đến 3/4 số cành, phần còn lại để nuôi rễ”.
Tham quan vườn nhãn cổ thụ của ông Tiến, người có kinh nghiệm chỉ cần đếm số vết khoanh trên vỏ sẽ biết được độ tuổi của cây. Khi lá non chuyển sang xanh nhạt, tiếp tục bón phân hỗn hợp, tưới nước giữ ẩm cho đến khi cây ra hoa đều. Hiện vườn nhãn của ông Tiến đã ra hoa 90%. Dự kiến vụ mùa năm nay, vườn sẽ cho thu hoạch khoảng 40-45 tấn trái. Do có đủ nước tưới nên ông thường xử lý cây nhãn ra hoa đậu trái vào mùa nghịch. Vụ nhãn năm nay ông Tiến dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 7, thời điểm này có ít loại cây ăn trái vào vụ nên giá bán thường cao hơn nhãn chính vụ.
CÂY GIẢM NGHÈO
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, vườn nhãn của ông Tiến luôn xanh tốt, ít sâu bệnh. Những năm trước, vườn cho thu hoạch từ 45-60 tấn/4 ha. Vụ mùa năm 2023, ông Tiến thu 45 tấn nhãn, giá bán bình quân 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng. Nhiều năm nay, gia đình ông phát triển kinh tế chủ yếu nhờ vào cây nhãn. Trước đại dịch Covid-19, giá nhãn từ 20-22 ngàn đồng/kg. Nhờ có thu nhập từ cây nhãn mà ông Tiến xây được nhà lớn kiên cố, mua xe ôtô, kinh tế ổn định.
Ấp Thanh An có 900 ha cây ăn trái, trong đó nhãn là cây trồng chủ lực. Sau dịch Covid-19, nông dân gặp khó trong tiêu thụ do giá nhãn xuống thấp, trong khi giá vật tư phân bón tăng cao. Đầu mùa giá thu mua nhãn tại vườn từ 14-15 ngàn đồng/kg, nhưng cuối mùa chỉ còn 6-8 ngàn đồng/kg. Do giá không ổn định nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng sầu riêng và một số cây ăn trái khác. Diện tích không còn nhiều như trước, nhưng nhãn vẫn là cây cho thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Ông TRẦN TUẤN DŨNG, Trưởng ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long |
Cũng như gia đình ông Tiến, ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương còn có nhiều hộ làm kinh tế khấm khá nhờ trồng nhãn. Trải qua thăng trầm về giá cả, trong khi nhiều hộ chuyển đổi cây trồng, ông Tiến và nhiều gia đình trong ấp vẫn quyết tâm gắn bó với cây nhãn.
Vườn nhãn cổ thụ của hộ ông Tiến là mô hình điểm ở ấp Thanh An, được nhiều người dân trong vùng đến tham quan, học hỏi. Ngoài 4 ha nhãn, ông còn trồng nhiều loại cây khác và chăn nuôi heo. Nhờ đa dạng cây trồng, kết hợp chăn nuôi đã mang về cho gia đình ông thu nhập ổn định, mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ là nông dân làm kinh tế giỏi, ông Tiến còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây nhãn cho nhiều người.