“Tôi nhớ từng gờ cầu, từng ổ voi trên quốc lộ 1. Chuyến nào chở hàng dễ vỡ, phải đi rón rén khổ lắm”, ông Nguyễn Đức Hùng nói trong lúc thưởng thức bát bún bò tại một cửa hàng gần nút giao Nghi Sơn (cao tốc Bắc – Nam qua Thanh Hóa). Bát bún được ông khoe là “từ ngày có đường cao tốc mới được dừng xe để ăn thong thả”.
Ông Hùng là tài xế xe tải chạy chuyên tuyến Hà Nội – TPHCM. Trước đây, xe cứ đi hết cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình là phải rẽ sang quốc lộ 1, bắt đầu hành trình khổ sở vì đường sá xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
“Ngày xưa chưa có các đoạn cao tốc mới, chúng tôi mất tới 45-47 giờ để chở một chuyến hàng từ Hà Nội vào TPHCM. Từ khi có cao tốc mới, thời gian giảm xuống còn 38 giờ nếu dừng nghỉ thong thả, thậm chí là 34 giờ nếu chạy tranh thủ”, vị tài xế nói.
Trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội tới kỳ họp thứ 8, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đánh giá có bước đột phá rõ nét khi nhiều công trình giao thông quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, được đưa vào khai thác.
Mới đây nhất, 109km đường cao tốc thuộc các đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – QL46B, (thuộc dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020) đã được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km.
Bên cạnh tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đã được khởi công, Chính phủ nhận định tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, vẫn bảo đảm theo đúng kế hoạch.
Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đạt và vượt tiến độ đã trở thành hình mẫu điển hình, tạo động lực, truyền cảm hứng trong triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia với cách làm mới, tư duy mới, điều hành mới, huy động sức mạnh tổng lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.
“Chỉ sau 3 năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, số km đường cao tốc được đưa vào sử dụng bằng hơn nửa số km cao tốc hoàn thành của cả giai đoạn 2004-2020”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) so sánh và nhận định mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
Theo ông, các dự án đường bộ cao tốc đã mở ra nhiều không gian phát triển mới, giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, nâng hạng cạnh tranh của quốc gia trong thu hút đầu tư và làm chuyển biến nhận thức, tư duy, tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm và làm bằng được người đứng đầu các cơ quan, địa phương.
“Một khí thế mới len lỏi, âm thầm, miệt mài vươn lên giữa những khó khăn, thách thức, tác động bất lợi của kinh tế thế giới, của thiên tai, của biến đổi khí hậu, của xung đột giữa các quốc gia trên thế giới, được minh chứng rõ nét qua những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược của đất nước”, theo lời ông Thịnh.
Vị đại biểu nhận định những kết quả này là bệ phóng vững chắc, tạo ra động lực tăng trưởng không chỉ về kinh tế mà còn là cơ sở thực tiễn cho niềm tin về tương lai tươi sáng, về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên sẵn sàng, quyết làm và làm được những kỳ tích, những đột phá mới trong xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Trần Khắc Tâm (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII) đánh giá sau gần 40 năm đổi mới và 13 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ và “lột xác” để phát triển theo cấp số nhân.
Từ thời điểm không có tuyến đường cao tốc nào, đến nay, Việt Nam có hơn 2.000km cao tốc. Dự kiến đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km và đạt mục tiêu 5.000km vào năm 2030.
“Có thể nói, đây là thành quả từ những nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị”, ông Tâm nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cũng nhận định số km cao tốc làm được trong nhiệm kỳ này là đột phá, và đột phá ấy có được nhờ đột phá về thể chế và chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Ngay từ Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định tập trung đầu tư giao thông, đặc biệt các tuyến cao tốc, sau đó Quốc hội ban hành nhiều quyết sách quan trọng để cởi trói về mặt chính sách, làm cơ sở để Chính phủ quyết liệt triển khai và điều hành. Nhờ chủ trương, chính sách được khơi thông từ trên xuống dưới, nguồn vốn ngân sách dù không nhiều nhưng luôn được bố trí, phân bổ cho các dự án giao thông một cách kịp thời, phù hợp”, ông Minh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, việc Quốc hội và Chính phủ tạo điều kiện về mặt cơ chế, đặc biệt việc giao cho địa phương chủ động thực hiện với phương châm “địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, đã giúp giảm được rất nhiều khâu trung gian, rút ngắn được thời gian triển khai và thi công dự án.
Ấn tượng với việc trên công trường thi công cao tốc nào cũng có bóng dáng Thủ tướng Phạm Minh Chính với nhiều chỉ đạo quyết liệt và sự động viên kịp thời, ông Minh nhận định sự có mặt của Thủ tướng và các lãnh đạo Chính phủ mang lại sự động viên lớn cho cả các địa phương và nhà thầu cũng như đội ngũ công nhân thi công.
Sự có mặt đó cũng thể hiện sự quan tâm, sâu sát của Thủ tướng với những công trình giao thông trọng điểm.
“Sự sát sao, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng là một trong những điểm nhấn giúp hệ thống hạ tầng giao thông có những bước phát triển đột phá”, TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Theo ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước.
Nhờ sự truyền lửa ấy, các Ban Quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị và các đơn vị liên quan làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm việc liên tục 24/7”, “3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên Tết, xuyên lễ” nỗ lực hoàn thành các dự án. Đây chính là động lực để các cấp chính quyền địa phương, các nhà thầu vượt qua khó khăn, thử thách, chạy đua với thời gian hoàn thành tiến độ dự án.
“Tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với sự quyết liệt của Thủ tướng, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những dự án hạ tầng lớn”, ông Tâm nói.
“Chỉ 3-4 năm tới, khi đến ĐBSCL, nhiều người có lẽ sẽ phải ‘giật mình’ vì hệ thống hạ tầng giao thông thay đổi tích cực khi nhiều tuyến cao tốc, cây cầu lớn đưa vào khai thác. Đặc biệt, khi Cảng nước sâu Trần Đề được khởi công sẽ đem lại nhiều hơn nữa cơ hội để các tỉnh ĐBSCL phát triển vượt bậc”, ông Tâm nhận định.
Cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp khảo sát việc khởi động xây dựng tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên nối TPHCM và Bình Dương, Bình Phước, trong đó đoạn đi qua Bình Dương là dài nhất (hơn 52km).
Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đây là dự án trọng điểm thuộc trục cao tốc Bắc – Nam, kết nối với các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 và Vành đai 4 của TPHCM, đồng thời tiếp nối cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), tạo liên kết quan trọng đến các sân bay và cảng biển.
Bởi vậy, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và giữa vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên.
“Tuyến cao tốc này tiếp nối cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, là tiền đề quan trọng để tạo ra một không gian phát triển rộng lớn, kết nối từ Tây Nguyên xuống Bình Phước, Bình Dương và TPHCM”, ông Minh nhấn mạnh.
Đánh giá nhu cầu đi lại của người dân cũng như lượng hàng hóa lưu thông trên tuyến rất lớn, Chủ tịch tỉnh Bình Dương kỳ vọng khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ tạo ra vùng phát triển và hành lang kinh tế, đem lại lợi thế trong giao thương và vận chuyển hàng hóa, nông sản, tạo tính lan tỏa và mang lại giá trị liên kết vùng.
Dự án được HĐND tỉnh Bình Dương phê duyệt hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và cam kết sử dụng ngân sách địa phương; dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến 2027.
Theo ông Minh, địa phương đang nỗ lực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và khởi công cuối năm nay.
Công tác giải phóng mặt bằng vốn là phần việc khó khăn nhất, nhưng nay, theo ông Minh, đã thuận lợi hơn nhiều do người dân đồng thuận cao và đều chung mong muốn có cao tốc đi qua để tạo ra nhiều giá trị lớn hơn. Hơn nữa, dự án này phần lớn đi qua khu vực đất nông nghiệp nên tỉnh xác định tập trung quan tâm, đảm bảo chính sách bồi thường thỏa đáng và làm tốt tái định cư để người dân sớm bàn giao mặt bằng.
Khi có cao tốc cộng với việc quy hoạch và bố trí các nút giao hợp lý, ông Minh cho rằng sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng phát triển không gian kinh tế mới từ tuyến cao tốc. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, dịch vụ, và đô thị thế hệ mới, gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Từng tiếp xúc và lắng nghe nhiều ý kiến doanh nghiệp, Chủ tịch Bình Dương cho biết doanh nghiệp nào khi đầu tư vào địa phương cũng có chung kỳ vọng địa phương sẽ có hạ tầng giao thông tốt, bởi đây là điều kiện then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm bớt thời gian và chi phí đi lại.
“Chưa có đường sá tốt, chưa có cao tốc thì đi lại, vận chuyển hàng hóa đều khó khăn, tốn nhiều thời gian và chi phí. Nhưng khi có cao tốc, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ rất vui vì trước khi tốn 10 đồng, nay chỉ còn mất 5 đồng thôi”, ông Minh nói.
Cũng dẫn chứng câu chuyện từ thực tế, TS. Trần Khắc Tâm cho biết tháng 9 vừa qua, ông tham gia Đoàn xúc tiến thương mại đầu tư tại Trung Quốc của tỉnh Sóc Trăng, do Phó Chủ tịch Thường trực Lâm Hoàng Nghiệp dẫn đầu.
Đoàn đã làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập Đoàn Xây Dựng Cao Tốc số 1 (CFHEC) – doanh nghiệp xây dựng giao thông lớn với 28 chi nhánh trên toàn thế giới.
Doanh nghiệp này đã tham gia xây dựng 52.000km công trình đường bộ; 2.400km đường; xây dựng các dự án đường sắt đô thị như tàu điện ngầm với tổng chiều dài hơn 2.000km.
Theo ông Tâm, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp FDI như CFHEC, họ đều chia sẻ mong muốn được đến các tỉnh ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng để đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, công trình thông minh, thủy điện và thủy lợi…
Tuy nhiên, để có thể đầu tư được, ông Tâm cho biết các doanh nghiệp rất quan tâm đến hệ thống hạ tầng giao thông.
6 tuyến cao tốc được quy hoạch và tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang triển khai đã phần nào thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp FDI đối với các tỉnh ĐBSCL, theo ông Tâm.
Một vấn đề đặt ra trong thực tiễn là chất lượng và hiệu quả các công trình giao thông khi được đưa vào sử dụng, bởi khi triển khai rất nhiều công việc cùng lúc sẽ khó tránh được sai sót, rủi ro. Vì thế, vai trò giám sát của Quốc hội vô cùng quan trọng.
Quốc hội cũng đã quyết định giám sát tối cao về việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Giám sát của Quốc hội, theo đại biểu Trịnh Xuân An, không phải can thiệp vào điều hành của Chính phủ, mà có tác động tích cực khi góp phần thúc đẩy nhanh các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải pháp đề ra trong nghị quyết của Quốc hội rất sát thực tế để gỡ vướng cho các dự án. Trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề vướng mắc cần thay đổi về mặt chính sách, Quốc hội sẵn sàng cùng bàn với Chính phủ để đưa ra quyết định phù hợp, giúp các dự án, công trình triển khai nhanh và đúng hướng. Điều đó cho thấy sự sát sao giữa cơ quan làm chính sách và cơ quan điều hành, theo ông An.
“Thông thường, giữa chính sách và điều hành sẽ có khoảng cách nhất định nhưng ở đây, chúng ta thấy có sự trùng khớp trong vừa làm chính sách vừa điều hành, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa giám sát”, ông An nêu quan điểm.
Theo ông, với công trình giao thông trọng điểm mà chờ xong rồi mới giám sát sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc đẩy nhanh và gỡ vướng. Vừa làm vừa giám sát là một cơ chế đặc biệt được Quốc hội áp dụng, triển khai trong nhiệm kỳ này và đã cho thấy sự thay đổi, tác động rõ nét.
Trực tiếp tham gia đoàn giám tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết rất nhiều vướng mắc từ thực tế đã được tháo gỡ nhanh chóng.
Ví dụ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thiếu đất nhưng không thể lấy phần đất của sân bay Long Thành ra để san lấp cho đường cao tốc, vì đó là tài sản chưa định giá. Tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị được sử dụng đất nhà ga T3 để thi công cao tốc qua địa bàn, nhằm giảm giá thành thi công.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, quyết định việc sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 sân bay để thi công dự án cao tốc.
Tháng 2/2024, Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thực hiện việc khai thác đất từ khu vực nhà ga T3 để sử dụng cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo thẩm quyền, nhằm kịp thời cung cấp cho dự án. Và 4 tháng sau, Nghị quyết số 140 của Quốc hội cũng đã có ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc về việc sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 từ khu vực quy hoạch nhà ga T3, để phục vụ nhu cầu đất đắp nền cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Nhìn lại quá nửa nhiệm kỳ đã đi qua, có thể thấy việc xây dựng cao tốc từng có thời điểm gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là tình trạng thiếu nguyên vật liệu, trong đó có cả thứ “nguyên vật liệu” cần nhất cho dự án là tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Nắm bắt được tâm lý ấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần ban hành công điện nhằm chỉnh đốn tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Nghị trường Quốc hội cũng nhiều phiên nóng lên với những phát biểu đề nghị dứt khoát xóa bỏ tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm. Đây được xem như “một liều thuốc quý” để chữa căn bệnh “không dám làm” đang hiện hữu ở không ít đơn vị.
Đặc biệt, trong thi công các dự án giao thông trọng điểm, người đứng đầu Chính phủ liên tục quán triệt tinh thần dứt khoát không né tránh, không đùn đẩy, không nói không, không nói khó, phải quyết liệt làm, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và đã làm phải có sản phẩm hiệu quả, cân đong đo đếm được cụ thể rõ ràng.
Với những trăn trở, tâm huyết và trách nhiệm đó, từ Quốc hội, Chính phủ tới Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã luôn kề vai sát cánh cùng địa phương, đồng hành tháo gỡ nhiều vướng mắc để dần xây dựng, hình thành một tuyến đường bộ cao tốc hiện đại chạy dọc theo chiều dài đất nước.
Những cung đường cao tốc xuyên núi, băng rừng, bao quanh bờ biển đang dần hiện lên như một “bức tranh đẹp”, không chỉ mở ra những không gian phát triển mới, mà còn mang lại niềm tin và hy vọng tươi sáng về một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nội dung: Hoài Thu, Ngọc Tân
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/ky-vong-duong-cao-toc-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-moi-20241103104832575.htm