Vũ Thuyên
BPO – Sản xuất phát triển, ngoài lợi ích kinh tế thì người dân, hệ sinh thái đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và khí thải gây ra. Tuy nhiên, với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước đã cùng các doanh nghiệp (DN), khu công nghiệp (KCN) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải.
Hành động của doanh nghiệp
KCN Bắc Đồng Phú (huyện Đồng Phú) được xây dựng từ năm 2009 với diện tích 184 ha, do Công ty cổ phần Bắc Đồng Phú làm chủ đầu tư. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải, đơn vị đã xây dựng khu xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 2.000m3/ngày, đêm. Hệ thống xử lý này nhận tất cả nguồn nước thải của các DN đạt cột B, sau khi xử lý đạt cột A, đạt chuẩn theo quy định của Bộ TN&MT thì xả thải ra môi trường. Hiện lưu lượng nước thải thu về từ các nhà máy, xí nghiệp ở KCN Bắc Đồng Phú mới chỉ đạt 900m3/ngày, đêm. Trong tương lai, khi có thêm nhiều DN hoạt động thì hệ thống xử lý vẫn đáp ứng nhu cầu.
Để kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải này, đơn vị lắp đặt hệ thống quan trắc tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT hoạt động liên tục 24/7. Qua kiểm tra hằng ngày, hằng giờ, nguồn nước xả ra môi trường không vượt ngưỡng so với quy định.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Bắc Đồng Phú
Ông Nguyễn Viết Khanh, Trưởng phòng Công nghiệp môi trường, KCN Bắc Đồng Phú cho biết, theo quy định, các KCN khi xây dựng cơ sở hạ tầng phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đây là điều kiện cần và đủ của KCN với mục đích bảo vệ môi trường trên địa bàn. Cũng theo ông Khanh, KCN Bắc Đồng Phú được UBND tỉnh thuận chủ trương cho phép sản xuất, kinh doanh các ngành nghề sạch, thân thiện môi trường với lưu lượng nước xả thải chủ yếu từ sinh hoạt, còn khí thải không tác động đến môi trường. Trong khi đó, tại mỗi nhà máy, xí nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải trước một bước, khi đạt cột B theo quy định mới đưa về khu xử lý tập trung của KCN Bắc Đồng Phú.
Trạm quan trắc tự động của KCN Bắc Đồng Phú
Không chỉ KCN mà tại các DN quy mô, nhất là DN sản xuất phát sinh nhiều loại khí thải, nước thải độc hại ảnh hưởng đến môi trường cũng được các đơn vị xây dựng hệ thống xử lý theo quy định. Nhà máy dệt, nhuộm thuộc Công ty TNHH Yakjin Intertex, KCN Minh Hưng – Hàn Quốc (thị xã Chơn Thành) có công suất 13.500 tấn vải/năm. Trong chuỗi sản xuất ngành dệt may, nhuộm và hoàn tất vải là công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, nước, phát sinh nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ cũng như độ màu cao. Để giảm thiểu theo quy định, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ quá trình nhuộm, xử lý khí thải, nước thải xả đáy lò hơi và nước thải từ vệ sinh nhà xưởng với lưu lượng gần 3.000m3/ngày, đêm. Toàn bộ lượng nước thải sản xuất của nhà máy được thu gom và dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của đơn vị, công suất 3.3003m3/ngày, đêm.
Ông Kwon Il Ju, Quản lý Công ty TNHH Yakjin Intertex chia sẻ: Phương châm hoạt động của chúng tôi là theo hệ thống đã lập trình sẵn và cam kết thực hiện đúng như giấy phép được cấp. Trong quá trình hoạt động, định kỳ hằng ngày, hằng tháng, chúng tôi đều lấy mẫu kiểm tra khí thải, nước thải đảm bảo theo quy định, không vượt ngưỡng.
Công nhân làm việc tại nhà máy dệt, nhuộm Công ty TNHH Yakjin Intertex, KCN Minh Hưng – Hàn Quốc
Là DN đi đầu về ván gỗ ép nên trong quá trình sản xuất, Công ty cổ phần gỗ VRG Dongwha, KCN Minh Hưng III (thị xã Chơn Thành) cũng phát sinh nhiều khí thải, khói bụi. Tuy nhiên, vật liệu đốt chủ yếu từ thiên nhiên như vỏ cây, mùn cưa nên khá thân thiện với môi trường. Ngoài khí thải, DN còn có hệ thống thu hồi 100% bụi, bột cưa cắt bằng dây chuyền tự động về trạm nguyên liệu đốt. Trong quá trình đốt, nhiệt được thu về để phục vụ tái sản xuất và số khí thải ra môi trường còn lại không đáng kể. Để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải này, công ty có hệ thống quan trắc tự động và qua kiểm tra đều dưới ngưỡng cho phép theo quy định.
Ông Lương Đình Uy, Trưởng phòng Quản lý an toàn môi trường, Công ty cổ phần gỗ VRG Dongwha cho biết, đơn vị có 2 trạm quan trắc tự động nước thải và khí thải. Tất cả dữ liệu “đầu vào” đều được truyền trực tiếp về Sở TN&MT. Từ đó, Sở TN&MT sẽ quan sát, theo dõi 24/24 giờ ở tất cả chỉ số nguồn xả thải từ công ty. “Quan trắc tự động phát huy hiệu quả cao, bởi nếu không có hệ thống này thì không chắc chắn môi trường ô nhiễm hay không. Khi thông số trên các thành phần môi trường truyền dữ liệu liên tục thì DN rất tự tin đạt chuẩn theo quy định. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để DN yên tâm sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là môi trường được bảo vệ tốt” – ông Uy khẳng định.
Nhân viên Công ty cổ phần gỗ VRG Dongwha kiểm tra thông số trên các thành phần môi trường không khí từ trạm quan trắc tự động của đơn vị
Nhà máy sản xuất gỗ của Công ty cổ phần gỗ VRG Dongwha
Kiểm soát chặt chẽ xả thải
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Đức Bá cho biết, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, các DN, KCN đã bố trí trạm quan trắc tự động ở những nơi dễ xảy ra ô nhiễm để truyền dữ liệu. Tại Sở TN&MT lắp đặt trạm theo dõi, hoạt động 24/24 giờ, kiểm soát tốt nguồn thải truyền từ các DN, KCN.
Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống phần mềm quản lý, giám sát chất lượng nguồn thải từ 39 trạm quan trắc tự động, liên tục tại các cơ sở sản xuất, KCN và 8 trạm quan trắc tự động nước mặt, không khí của tỉnh để đánh giá “đầu vào” phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm. Qua đó đã giúp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tốt hơn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải của DN, sớm phát hiện và dự báo ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. |
Để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nguồn xả thải, nhất là các vùng có khả năng gây ô nhiễm, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đầu tư thêm các hệ thống quan trắc tự động để sớm phát hiện và có giải pháp xử lý kịp thời khi ô nhiễm xảy ra. Bởi số liệu thu về từ hệ thống quan trắc không chỉ là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu mà còn giúp chủ đầu tư, các KCN, chủ nguồn thải tự xem xét việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải và quản lý việc xả thải của các cơ sở. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư KCN và chủ nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động quan trắc – xu hướng tất yếu
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh ít nhiều tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, quan trắc môi trường là hoạt động không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay.
Nhân viên Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hệ thống quan trắc nước mặt địa bàn huyện Đồng Phú
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường của Bộ TN&MT, từ năm 2019, Trung tâm Quan trắc TN&MT được Sở TN&MT đặt hàng thực hiện lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, đất trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các chương trình quan trắc đã thu được khối lượng lớn thông tin dữ liệu của nhiều thành phần môi trường cơ bản. Qua đó đã tạo lập được hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng môi trường tương đối đầy đủ, cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý bảo vệ môi trường kịp thời, phục vụ nhu cầu xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc phục vụ công tác cảnh báo, dự báo, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường. Từ đó, các cơ quan quản lý kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó, phòng tránh các sự cố môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phục vụ đắc lực cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm Quan trắc TN&MT còn phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động lấy mẫu thanh, kiểm tra, lấy mẫu nước thải thẩm định tờ khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đúng tiến độ, phản ánh đúng những công trình bảo vệ môi trường của các dự án và không có khiếu nại nào về kết quả của DN.