Ngày 9.11, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã diễn ra buổi khai mạc lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND H.Bù Đăng cho biết, sóc Bom Bo được biết đến qua phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà cao điểm là trong chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long năm 1965.
Trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, không khí trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn, nhân dân nô nức thi đua suốt lúa, tập trung thóc vào kho hậu cần. Đồng bào sóc Bom Bo đã huy động toàn bộ cối, chày hiện có và còn dùng cây sao dài đục thành hàng chục lỗ cối với chày tay giã gạo kịp thời cho chiến dịch. Trong gần 3 ngày đêm giã gạo liên tục, nhân dân sóc Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo phục vụ chiến dịch.
Hình ảnh ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã cùng những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Sóc Bom Bo không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, có những nét văn hóa độc đáo, khác biệt như nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, lễ kết bạn cộng đồng cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã và đang làm phong phú thêm kho tàng di sản của Việt Nam.
Năm 2024, lần đầu tiên H.Bù Đăng tổ chức lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Lễ hội được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh Bình Phước mong đợi không chỉ bởi không khí lễ hội vui tươi rộn ràng, mang thương hiệu riêng của sóc Bom Bo mà còn bởi sự cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa tiêu biểu.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” diễn ra đến ngày 10.11 với chuỗi các hoạt động: chương trình nghệ thuật “Giã gạo chày tay – Nuôi quân đánh giặc” với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, sẽ tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’Tiêng.
Lễ hội còn diễn ra hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch; chạy việt dã với chủ đề “Đường về thăm sóc Bom Bo”; hội chợ thương mại các gian hàng văn hóa, nông sản; lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”; liên hoan văn hóa các dân tộc; phục dựng lễ hội kết bạn; các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo)…