Bìa 4 cuốn sách kể chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
Bốn tựa sách gồm: “Cuộc đối đầu không cân sức” của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng; “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”, tác giả Lưu Trọng Lân; “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể”, tác giả Phan Thu và “ Nhật ký phi công tiêm kích” của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát.
Theo đó, cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” của tác giả Lưu Trọng Lân là tác phẩm kể về chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước biết đến và đánh giá cao. Sách được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa, được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Đối với “Cuộc đối đầu không cân sức”, là tập bút ký của Trung tướng Phan Thu kể về cuộc đối đầu không cân sức của Phòng không – Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam chống lại chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ. Nội dung cuốn sách mang đậm hơi thở lịch sử của một thời đại oai hùng, văn phong ngắn gọn, chính xác mà không thiếu những trang viết thấm đẫm tình cảm. “Cuộc đối đầu không cân sức” ca ngợi sức mạnh và ý chí chiến đấu của một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm, không chịu khuất phục trước kẻ thù bạo tàn.
Cuốn sách “Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể” cũng là tác phẩm của Trung tướng Phan Thu nhưng lại mang nội dung trả lời, lý giải câu hỏi nêu trên dưới góc độ khoa học; đồng thời làm nổi bật ý chí, trí tuệ của quân và dân ta, nhất là của Bộ đội Phòng không – Không quân trên mặt trận đối không, mang tầm vóc lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi đọc cuốn sách này, độc giả hiểu rõ hơn về các chiến công và những con người đã làm nên chiến thắng vĩ đại ấy; đồng thời góp phần khơi dậy lòng tự hào và trọng trách của các thế hệ sau này trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong khi đó, cuốn sách “ Nhật ký phi công tiêm kích” là những ghi chép của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát suốt 7 năm (1966-1972), từ khi còn là một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.