Hai năm trở lại đây, giá cà phê nhân liên tục tăng cao khiến người trồng vô cùng phấn khởi, nhiều nhà vườn đã quyết định xuống giống để tăng diện tích loại cây trồng này. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, một số vườn ươm đã tiến hành ươm giống phục vụ người dân.
Hàng chục luống cà phê giống trong vườn ươm nhà ông Lý nhưng đã có chủ ký hợp đồng mua
Tại vườn ươm cà phê giống của ông Phạm Văn Lý ở thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, hàng chục luống cà phê giống cao hơn gang tay đều đã có chủ. Ông Lý cho hay, từ đầu năm tới nay, cây cà phê giống được bà con mua mạnh hơn mọi năm. Trước đây, người mua chủ yếu là nông dân, mua số lượng nhỏ lẻ để tái canh trên diện tích cũ, hoặc trồng xen. Nay nhiều người mua số lượng lớn 1.000-2.000 cây để trồng mới trên đất chuyển đổi từ hồ tiêu hoặc xen canh trong vườn điều. Không chỉ người dân trong tỉnh, nhiều người ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tìm về đây mua cây giống. Cây cà phê giống “hot” trở lại, nhiều thương lái mua sỉ để bán lại cho người dân.
Giống cà phê mít được ông Phạm Văn Lý chọn trồng làm gốc ghép bởi theo ông đây là giống cây chịu hạn tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước và Tây Nguyên
Ông Lý cho hay, về cây giống cà phê, hiện nay tình hình chung là cung không đủ cầu. Việc nhiều hộ dân đua nhau trồng mới, tái canh cà phê khiến giá cây giống tăng cao và khan hiếm nguồn cung. Năm nay, gia đình tôi ươm 500 ngàn cây cà phê mít, ghép với giống cà phê TR4, xanh lùn, thiên trường, để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu trồng mới tăng cao nên giá cà phê giống cũng cao gần gấp đôi so với những năm trước. Hiện giá cây cà phê giống thay đổi liên tục, cây ươm trong bầu nhỏ chưa ghép 6-7 ngàn đồng/cây, còn bầu lớn đã ghép 14-15 ngàn đồng/cây. Từ đầu năm đến nay, tôi đã bán hơn 15 ngàn cây cà phê giống.
Ông Lý trực tiếp tưới cho vườn giống cà phê ghép để giữ độ ẩm cho cây
Việc ươm giống cà phê là bước đầu tiên quan trọng trong chuỗi sản xuất, giúp tạo ra những cây con khỏe mạnh, phát triển tốt. Quá trình này giúp tối ưu hóa năng suất và chất lượng cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Việc ươm giống đúng kỹ thuật còn giúp bảo vệ giống cây, tránh tình trạng thoái hóa và đảm bảo nguồn giống ổn định cho các vụ mùa sau.
Các công nhân đang tiến hành ghép cây giống cà phê
Chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn 3, xã Ea Tieu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk được ông Lý thuê làm kỹ thuật cho cây cà phê nhiều năm nay. Chị Toàn đã gắn bó với cây cà phê hơn 30 năm nên kỹ thuật chị nắm rất vững. “Muốn cây cà phê ghép đạt chuẩn, đầu tiên phải quan tâm đến gốc ghép, sau đó là chồi, mắt ghép. Nếu ghép bằng chồi thì phải lựa chồi bánh tẻ, không non, không già và không được bón phân. Còn cây ghép thì phải đủ 5-6 tháng tuổi mới dùng để ghép được. Giống cà phê không chỉ quyết định chất lượng hạt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và khả năng chống chịu với sâu bệnh” – chị Toàn chia sẻ.
Hiện tại, giá cây cà phê giống đã tăng từ 2-3 lần so với 3 năm về trước và thực tế không còn nhiều cây giống. Nguyên nhân giá cây cà phê giống năm nay tăng đột biến là do giá cà phê nhân trên thị trường tăng cao, người dân tập trung mua giống về tái đầu tư cho những vườn cà phê già cỗi. Vì vậy, nhiều vườn ươm cây cà phê giống đang “cháy hàng” do nhu cầu mua tăng mạnh của người dân.
Lặn lội hơn 50km từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xuống huyện Bù Đăng mua cà phê giống, ông Trần Văn Báu cho biết, năm nay giá cà phê tăng cao, gia đình ông mạnh dạn phá hơn 1 ha cà phê già cỗi, năng suất kém để tái canh. Dù trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều cơ sở kinh doanh cây giống nhưng đều không còn hàng để mua. Nghe nói dưới huyện Bù Đăng còn nhiều cây giống, nên ông đến các vườn ươm của ông Lý để mua. “Tôi dự định mua hơn 3.000 cây cà phê giống nhưng đã qua 2 cơ sở mới gom được vài trăm cây, chưa đủ nhu cầu. Chưa năm nào tôi thấy bà con đi mua cây giống cà phê nhiều như năm nay” – ông Báu cho hay.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/171272/gia-ca-phe-giong-tang-cao-cau-vuot-cung