Rộng cửa đón khách quốc tế
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với 95,14% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh (XNC), xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó đáng chú ý là nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế, nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Công an, khi Việt Nam khôi phục lại chính sách XNC như trước COVID-19 thì từ ngày 15-3-2022 đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ trước dịch COVID-19. Điều này cho thấy nhu cầu và tính thuận lợi về việc thêm thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, việc thực hiện các thủ tục về quản lý XNC bằng các phương pháp truyền thống không còn phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ công hiện nay.
Do vậy, việc cho phép các hoạt động này được tiến hành trên môi trường điện tử sẽ phát huy hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam và người nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa, thông thoáng về thủ tục, chính sách về thị thực điện tử, kéo dài thời hạn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ tạo điều kiện, thúc đẩy, thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác kinh doanh và nghiên cứu khoa học.
Luật được thông qua là cơ sở pháp lý, đảm bảo đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường đầu tư tại Việt Nam.
Hiện Chính phủ đã dự thảo nghị quyết về danh sách 156 nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử và danh sách 13 cửa khẩu đường sông, 13 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài được nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Như vậy, Việt Nam đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác.
Còn các công ty lữ hành kỳ vọng chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, phát triển kinh tế du lịch.
Bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông du lịch Việt cho rằng: “Đây là thông tin tích cực có ý nghĩa quan trọng và sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích cho các công ty lữ hành nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung. Chúng tôi kỳ vọng chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 – 25% mỗi năm”.
Mở ra cơ hội kinh doanh
Cũng theo bà Phạm Phương Anh, với thủ tục đơn giản, thuận tiện, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian.
Bên cạnh đó, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày làm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam, giúp du khách chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng. Điều này làm cho sản phẩm du lịch từ các công ty lữ hành Việt Nam thiết kế, tổ chức đa dạng và hấp dẫn hơn.
Nắm bắt cơ hội khi chính sách visa tác động đến các hoạt động kinh doanh lữ hành, nhiều công ty du lịch đã có kế hoạch triển khai thông tin đến các đối tác du lịch tại nhiều thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Australia… về chính sách xuất nhập cảnh mới để chủ động chuẩn bị các bước phù hợp khi áp dụng chính sách visa mới, biết rõ quy định để chuyển tới khách hàng là các du khách dự định du lịch tới Việt Nam hoặc đang phân vân lựa chọn điểm đến.
Bà Phạm Phương Anh cho biết thêm, đơn vị đã khảo sát các tuyến điểm, thiết kế các sản phẩm tour dành cho du khách quốc tế có hành trình tour từ Việt Nam tới các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia… nâng thời gian lưu trú tại Việt Nam. Việc đánh giá và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp cho du khách như nhà hàng, khách sạn… và đặc biệt là đội ngũ nhân sự làm trực tiếp như hướng dẫn viên, nhân viên kinh doanh cũng được công ty chú trọng.
Dự kiến số lượng khách tăng lên, Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt đã chủ động đàm phán với các đối tác cung ứng dịch vụ để phục vụ đảm bảo chất lượng khi số lượng khách tăng cao. Tăng cường các chương trình xúc tiến, gặp gỡ, đàm phán với các đối tác quốc tế mới, chào bán các sản phẩm du lịch mới dựa trên các tiêu chí và quy định của chính sách visa thông thoáng
mở rộng.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh cho biết: “Là doanh nghiệp chuyên đón luồng khách châu Âu, tôi đánh giá chính sách thị thực nhập cảnh mới sẽ là một “cú hích” giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển và lợi thế trong cuộc đua thu hút khách du lịch quốc tế… Bên cạnh đó, việc nâng số thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn thị thực giấy và khách có thể dễ dàng sử dụng công nghệ thông tin khi xin thị thực vào Việt Nam để du lịch”.
“Chính sách visa có hiệu lực từ tháng 15-8-2023 sẽ là cơ hội để công ty quảng bá tới các thị trường mục tiêu trong mùa cao điểm thu đông năm nay. Trước đây, với thời hạn visa ngắn ngày, công ty thường tập trung vào xây dựng các tour ngắn ngày. Còn bây giờ với chính sáchvisa mới, công ty đang đưa ra những sản phẩm du lịch dài ngày trải nghiệm kết hợp với nghỉ dưỡng tại các bãi biển; những kỳ nghỉ dưỡng biển dài ngày ở các khu vực biển miền Bắc và miền Trung; sản phẩm du lịch dài ngày kết hợp khu vực biển miền Bắc và Tây Nguyên”, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, chính sách visa mới sẽ tạo điều kiện nâng cao sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam và tiếp tục đà phục hồi du lịch. Công bố mới đây của Tổng cục Du lịch cho thấy, về mức độ phục hồi so trước dịch, 5 thị trường đã vượt mức 6 tháng đầu năm 2019 là Campuchia (338%), Ấn Độ (236%), Lào (117%), Thái Lan (108%) và Singapore (hơn 107%). Hai thị trường phục hồi gần về mức 2019 là Mỹ (95%) và Australia (92%).
Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc (77%), Anh (gần 79%), Đức (84%). Trung Quốc, thị trường gửi khách lớn nhất trước dịch, phục hồi hơn 22% do mới mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ 15/3. Dù vậy kể từ lúc mở cửa trở lại, khách Trung Quốc luôn nằm top đầu những thị trường khách đến Việt Nam đông nhất.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 5,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 13,5 lần cùng kỳ năm 2022 và bằng 67% so với năm 2019. Trong 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc đứng đầu với hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trung Quốc xếp thứ hai (557.000 lượt), Mỹ thứ ba (374.000).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới. Đó là thời hạn thị thực điện tử (E-Visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Luật cũng cho phép công dân của 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thực như: Liên Bang Nga, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển… được cấp tạm trú 45 ngày (Quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định. |