Các điểm du lịch biển đông kín người
Chị Bùi Hương Giang (Giảng Võ, Hà Nội) vừa đi du lịch với khối văn phòng của doanh nghiệp tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). “Cứ sáng sớm và chiều tối, bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt người, nhất là bãi A và bãi B, nơi có độ dốc thoai thải và sóng tương đối. Do đó, nhóm chị em chúng tôi chỉ hóng gió rồi về tắm tại bể bơi trong khách sạn”, chị Giang chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hà Quỳnh Anh (Long Biên, Hà Nội) cùng gia đình đi nghỉ dưỡng tại Cửa Lò (Nghệ An) cũng nhận xét bãi biển quá đông người tầm chiều. “Các điểm tham quan tại Cửa Lò cũng ít nên gia đình chỉ tranh thủ tắm biển buổi sáng, nghỉ ngơi và tìm quán ăn ngon, hải sản để cho trẻ con được hưởng không khí biển. Dịch vụ du lịch cũng không có gì thay đổi nhiều so với thời điểm trước năm 2019”, chị Hà Quỳnh Anh nhận xét.
Theo ghi nhận từ Sở Du lịch Nghệ An, do nắng nóng nên nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng biển càng tăng cao. Không chỉ có Cửa Lò, các vùng ven biển như huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai…, công suất sử dụng phòng tại các khách sạn lớn đạt bình quân 80% và được duy trì ở mức cao, lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống ở các bãi biển đông, nhất là vào dịp cuối tuần.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt 4,9 triệu lượt, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 3,16 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022; khách quốc tế đạt 32.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 11.491 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 4.334 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm nay, Sầm Sơn đón 5,3 triệu lượt khách, tăng gần 30%, chiếm 64% tổng lượng khách đến xứ Thanh, doanh thu đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Neworld Travel cho biết: Lý do khách từ miền Bắc chọn Sầm Sơn, Cửa Lò là điểm đến bởi đường xá thuận tiện, chi phí giá hợp lý. Nhất là gần đây, điểm đến Sầm Sơn đã thay đổi nhiều trong việc quy hoạch và giảm đáng kể tình trạng “chặt chém” theo hướng nâng chất lượng dịch vụ. Đó là lý do việc tổ chức khách đoàn, nhất là cho công nhân, lao đông của các doanh nghiệp sản xuất đều chọn Sầm Sơn là điểm đến.
Theo ghi nhận từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong dịp hè, lượng khách đến các điểm du lịch biển vẫn duy trì như năm ngoái. Các điểm du lịch biển như Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Quốc… vẫn là điểm đến được lựa chọn của nhiều gia đình.
Du lịch nội vùng phát triển
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtour cho biết: Do dịch vụ khách sạn, nhà hàng được công khai trên mạng nên du khách hoàn toàn có thể tự đặt và tự tổ chức đi du lịch. Do đó, trong dịp hè này, lượng khách đặt tour trọn gói đi qua các doanh nghiệp lữ hành giảm đáng kể. “Ngay như trong hệ thống đơn vị chúng tôi, lượng khách đặt khách sạn tại Flamingo Đại Lại và Cát Bà vẫn rất nhiều, gần như kín phòng dịp cuối tuần nhưng khách lẻ đặt tour giảm. Với du lịch trong nước, đa phần khách đặt theo combo và khách đoàn đặt theo chương trình riêng”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Tổng hợp thông tin từ các đơn vị du lịch trong Hiệp hội cho thấy, do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế, mùa du lịch hè năm nay, du khách hạn chế đi đường bay và lựa chọn nhiều đi theo đường bộ. Điều này cũng dẫn đến du lịch nội vùng (khách đi lại trong khoảng tầm 300km đổi lại) khá tăng, các điểm du lịch biển nổi tiếng sẽ đông cục bộ. “Tình trạng này cũng dẫn đến khách tự đi, tự đặt dịch vụ cơ bản, giảm việc đặt tour qua các đơn vị lữ hành”, ông Nguyễn Công Hoan thông tin thêm.
Xu hướng khách thay đổi thói quen đi du lịch đã được Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) cảnh báo từ cuối năm trước thông qua khảo sát hành vi thói quen đi du lịch. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch bền vững cho rằng: “Trong thời đại chuyển đổi số, khi các dịch vụ đã được công khai và minh bạch trên không gian mạng, du khách sẽ có nhiều lựa chọn và so sánh hơn. Do đó, để tồn tại, các doanh nghiệp du lịch tìm, xây dựng sản phẩm du lịch riêng biệt, mang tính trải nghiệm cao cho du khách mới có nguồn khách lâu dài. Tuy nhiên, giai đoạn này cần có thời gian bởi nhiều doanh nghiệp du lịch đã “cạn vốn” sau dịch bệnh COVID. Việc đầu tư cần sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương”.
Bên cạnh đó, việc giảm tải những điểm quá tải du lịch cần sự điều phối của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thông qua quy hoạch với các điểm đến phụ trợ. Theo các chuyên gia du lịch, với việc Tổng cục Du lịch “hạ cấp” còn là Cục Du lịch Quốc gia, vai trò quy hoạch, quản lý điểm đến sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền địa phương.