Đảm bảo thực chất
Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới. Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao đòi hỏi chặt chẽ, yêu cầu chất lượng rất cao và bổ sung nhiều chỉ tiêu mới. Do đó, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, mục tiêu chung của Bình Phước là không chạy đua thành tích, không nợ đọng tiêu chí mà phải hoàn thành đạt các chỉ tiêu, tiêu chí mới quyết định công nhận. Minh chứng là năm 2023 có 7 xã phấn đấu về đích NTM, 6 xã về đích NTM nâng cao nhưng đến cuối năm 2024 chỉ quyết định công nhận 6 xã về đích NTM, 5 xã về đích NTM nâng cao; 2 xã còn lại là Lộc Phú, huyện Lộc Ninh và Tân Hiệp, huyện Hớn Quản chưa được công nhận do còn nợ đọng tiêu chí.
Tuyến đường dân sinh trên địa bàn xã Bình Tân, huyện Phú Riềng khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp
Bên cạnh đó, các xã phấn đấu cán đích NTM về sau càng khó khăn do đều trong vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh; xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ và Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) nên việc đầu tư xây dựng NTM và quyết định đạt chuẩn NTM đang là bài toán khó. Bởi, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, II nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ không còn được hưởng chính sách về y tế, giáo dục và các chính sách khác đã ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, cũng như khó tạo động lực, khuyến khích các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Đắk Ơ là xã biên giới, đặc biệt khó khăn với khoảng 40% dân số là người DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì thế, để xây dựng NTM, cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, Đắk Ơ được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn từ các cấp nên đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra. Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Minh Hóa cho biết, tổng nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và người dân đóng góp xây dựng NTM năm 2023 hơn 120 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí đó, xã đã họp bàn, xem xét, đề xuất xây dựng các công trình mang tính chiến lược cũng như phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương. Cuối năm 2024, Đắk Ơ hoàn thành tất cả chỉ tiêu, tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn NTM và làm lễ công nhận đầu năm 2025.
Với một xã nghèo, nhiều hộ DTTS sinh sống như Đắk Ơ, ngoài được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì quyền lợi thụ hưởng các chính sách của người dân rất lớn nên cần được ưu tiên đặc thù. Ông Hóa cho biết: Khi có quyết định xã đạt chuẩn NTM đương nhiên các chính sách hỗ trợ xã nghèo sẽ không còn, như bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là chế độ theo Nghị định 116 của Chính phủ đối với học sinh nghèo, học sinh DTTS xa trường học sẽ bị cắt. Đây là những trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, rất mong được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các em, các cháu có động lực, bớt khó khăn về kinh tế, tiếp tục vững bước đến trường.
Nhiều kết quả nổi bật
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 2024, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp hơn 110 tỷ đồng chung tay xây dựng NTM; hiến 93 ha đất làm đường giao thông nông thôn, công trình dân sinh và tham gia 10.558 ngày công lao động. Cùng với vốn đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, kết nối thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn cũng như tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn.
Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 vào đầu năm 2025
Hệ thống trường học các cấp khu vực nông thôn tiếp tục được củng cố và nâng cấp; hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao dân trí, đời sống tinh thần của dân cư nông thôn, phù hợp với chủ trương xây dựng NTM; hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện với 100% các xã có trạm y tế. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng số được đầu tư đồng bộ nhằm phục vụ tốt xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh, giúp nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của lãnh đạo xã trong công cuộc xây dựng NTM tại địa phương.
Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, vì thế việc đạt chuẩn chỉ là kết quả ban đầu, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục đầu tư xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí ở mức cao hơn, bền vững hơn. Đồng thời gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. “Dù đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt chuẩn NTM năm 2023 nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục huy động tối đa nội lực, quyết tâm nâng cao các tiêu chí đã đạt, từng bước đưa Đắk Nhau về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thời gian tới” – Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nhau Lê Khắc Kiên cho biết.
Phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu đến hết năm 2025, Bình Phước có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM là Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), lũy kế có 84/86 xã được công nhận đạt chuẩn (không thực hiện đối với xã Nghĩa Bình và Đồng Nai thuộc huyện Bù Đăng do 100% diện tích nằm trong quy hoạch khoáng sản).
Phấn đấu có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Tân Lợi, huyện Đồng Phú; Lộc Thiện, Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh; Tân Lợi, huyện Hớn Quản; Long Tân, huyện Phú Riềng; Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập; Tân Tiến, huyện Bù Đốp; Đoàn Kết và Đường 10, huyện Bù Đăng.
Phấn đấu đưa 7 xã về đích NTM kiểu mẫu, gồm: Tân Thành, thành phố Đồng Xoài; Thanh Lương, thị xã Bình Long; Minh Thắng, thị xã Chơn Thành; Bom Bo, huyện Bù Đăng; Long Giang, thị xã Phước Long; Thuận Phú, huyện Đồng Phú và Phú Riềng, huyện Phú Riềng.
Đồng Phú đang chờ Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, phấn đấu đưa huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2025. Cùng với đó, Bình Phước trình hồ sơ Trung ương thẩm định công nhận hoàn thành xây dựng NTM đối với thị xã Chơn Thành, đạt chuẩn NTM đối với huyện Lộc Ninh và huyện Phú Riềng.
Hệ thống trường học nông thôn cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Trong ảnh: Một lớp học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đường 10, huyện Bù Đăng
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, mục tiêu của Bình Phước là triển khai chương trình xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Đặc biệt, tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn để tạo sự đột phá của chương trình. Đó là giảm khoảng cách chênh lệch kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/169267/dot-pha-xay-dung-nong-thon-moi