Văn Đoàn
BPO – Xóm đồng bào Chăm ở tổ 6, ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú là nơi sinh sống của 56 hộ người Chăm. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đời sống người dân nơi đây đã và đang đổi thay từng ngày.
THOÁT NGHÈO TỪ Ý THỨC TỰ VƯƠN LÊN
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông Chàm Sa Hot vẫn phụ các con chăm sóc đàn dê hơn 10 con, mỗi năm đem lại nguồn thu từ 20-30 triệu đồng. Còn vợ chồng con trai ông Hot có mức thu nhập gần 18 triệu đồng/tháng với công việc cạo mủ cao su nên kinh tế gia đình ổn định.
Đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Chàm Sa Hot vẫn hằng ngày phụ con cháu chăm sóc đàn dê để nâng cao thu nhập
Gia đình ông Hot là một trong những hộ đầu tiên về đây sinh sống. Vì vậy, ông hiểu rõ sự đổi thay từng ngày ở xóm người Chăm này. Ông kể, cách đây hơn 20 năm, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào hái măng rừng, trồng bắp, lúa rẫy. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền đầu tư xây dựng đường, nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ cây – con giống…; cùng với đó là ý thức tự lực vươn lên nên cuộc sống người dân ngày một ổn định, nâng cao. Ông Hot cho hay: Ở xóm người Chăm này, hầu như ai cũng có việc làm. Những người già như tôi thì ở nhà phụ chăm con bò, dê, gà. Thanh niên thì đi cạo mủ cao su thuê cho các chủ vườn, một số làm công nhân ở khu công nghiệp nên thu nhập cũng ổn định. Xóm phát triển hơn trước rất nhiều, hộ nào cũng có nhà ở kiên cố, không phải lo từng bữa ăn như trước.
Hộ ông Chàm Sen hơn 10 năm trước về đây sinh sống. Khi ấy, không có việc làm, hai ông cháu sống trong căn nhà dột nát. Năm 2015, ông được chính quyền địa phương cấp 1 sào đất và xây tặng căn nhà tình thương. Ông Sen còn được giới thiệu đi cạo mủ cao su thuê cho một chủ vườn trong vùng, với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập, ông Sen nuôi thêm đàn vịt. Vì vậy, nhiều năm nay cuộc sống gia đình ông không còn vất vả như trước.
Ông Chàm Sen có thu nhập ổn định từ công việc cạo mủ cao su thuê cho các chủ vườn quanh vùng
Ngoài công việc cạo mủ cao su thuê, để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình, ông Chàm Sen đã nuôi thêm vịt
Ông Sen phấn khởi cho biết: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, nhờ được Nhà nước hỗ trợ xây nhà ở nên không còn lo nắng, mưa nữa. Công việc cạo mủ cao su tuy vất vả nhưng có thu nhập ổn định, cuộc sống cũng khá hơn trước nhiều”.
Thời gian qua, huyện Đồng Phú và xã Thuận Phú luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân xóm đồng bào Chăm phát triển kinh tế. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, ý thức chịu khó làm ăn cũng như chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước của bà con rất tốt. Diện mạo xóm đồng bào Chăm đã đổi thay rõ nét, nhất là đời sống người dân ngày một ổn định và nâng cao. Chủ tịch UBND xã Thuận Phú TRẦN ĐÌNH THÌN |
Với chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, từ năm 2015 đến nay, xã Thuận Phú quan tâm đầu tư làm đường, kéo điện và xây 47 căn nhà tình thương cho người dân ở xóm đồng bào Chăm. Bên cạnh đó, hỗ trợ cây – con giống, tạo điều kiện cho 27 hộ vay vốn chính sách để phát triển sản xuất với tổng hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống người dân ngày một nâng cao, từ thanh niên đến trung niên ai cũng có việc làm và thu nhập ổn định.
KHÔNG TỆ NẠN XÃ HỘI
Xóm người Chăm hiện có 56 hộ với 229 người, trong đó chỉ còn 2 hộ cận nghèo là người cao tuổi không còn sức lao động. Đồng bào Chăm nơi đây đều là tín đồ của đạo Hồi và có tiểu thánh đường ngay trung tâm xóm là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt ở xóm, các hành vi uống rượu, cờ bạc, trộm cắp được hội đồng giáo cả quy định rất nghiêm ngặt, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Vì vậy, xóm người Chăm không xảy ra tệ nạn xã hội.
Người dân ở xóm Chăm ngoài ý thức nỗ lực vươn lên, còn luôn giữ gìn vệ sinh xóm làng, không có tệ nạn xã hội
Ông Chàm Sa, Trưởng ban giáo cả ấp Tân Phú cho biết: Đồng bào Chăm ở đây quy định không ai được uống rượu, không cờ bạc, không trộm cắp… Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Ai khó khăn thì cùng hỗ trợ giúp đỡ, bảo ban nhau làm ăn chứ không được vướng vào các tệ nạn xã hội làm hư người, ảnh hưởng đến xóm làng.
Khi đến xóm đồng bào Chăm, điều đầu tiên thu hút chúng tôi là đường sá khang trang và môi trường sạch sẽ. Bởi việc giữ gìn vệ sinh trong gia đình, xóm làng đã trở thành thói quen của người dân nơi đây. “Những người cao tuổi, nhất là các cụ trong hội đồng giáo cả thường đi khắp xóm, thấy quanh nhà ở hoặc đường trước nhà ai mà bề bộn, có rác thì các cụ lại nhắc nhở. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh trong gia đình cũng như ở xóm đã trở thành thói quen với chúng tôi” – anh Amach C cho hay.