Món ăn tinh thần của mọi thời đại
Không phủ nhận giá trị của việc đọc sách, nhưng thời nay, giới trẻ không còn nhiều người mặn mà với việc đọc sách, nhất là sách giấy. Khảo sát trực tiếp điều này đối với một nhóm bạn trẻ tại phường Long Phước, TX. Phước Long, đa số cho rằng, ngoài thời gian học tập, các em chỉ thích đi cà phê, chơi thể thao… cùng bạn bè. Thời gian dành cho đọc sách của một số ít bạn là vào giờ trước khi đi ngủ cho dễ ngủ. Còn việc tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, theo các em thì tra Google sẽ nhanh hơn, đa dạng hơn và không mất quá nhiều thời gian như đọc sách giấy.
Học sinh Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long đọc sách tại thư viện của trường
Từ thực trạng nêu trên, tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Những kết quả bước đầu của đề án này, nhất là sự lan tỏa của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc hằng năm đã góp phần giúp một bộ phận giới trẻ tìm về với sách. Thông qua sân chơi thú vị này, một số em đã khám phá bản thân, thấy được những lợi ích thiết thực của đọc sách và tự tin hơn. Em Hà Thị Thảo Quyền, học sinh lớp 12D, Trường THPT Phước Bình, TX. Phước Long cho biết: Với em, sách giống như loại keo chữa lành những vết nứt trong tâm hồn. Nhờ đọc sách, em mới biết muốn thành công thì phải mạnh dạn, tự tin và tin vào chính mình. Bên cạnh đó, sách như một người bạn đồng hành, luôn lắng nghe em. Đôi khi những người đọc sách sẽ không nhận lại vài lời an ủi nhưng từ sách chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình.
Học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh Bình Phước
Nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục và nay đã nghỉ hưu, bà Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trú thị xã Phước Long rất trăn trở làm thế nào để đưa phong trào văn hóa đọc phát triển trong học sinh nói riêng và xã hội nói chung. Bà Linh đề xuất: “Tôi thấy thanh thiếu niên muốn đọc những cuốn sách có nội dung tốt, hấp dẫn, đẹp về hình thức, đặc biệt sách được in song ngữ càng tốt. Bên cạnh đó, cần có chuyên gia giới thiệu sách, định hướng nội dung phù hợp để các em tiếp cận nhanh, hiệu quả giá trị cuốn sách. Việc tổ chức gặp gỡ, trò chuyện giao lưu giữa các đối tượng độc giả là học sinh, thanh niên, phụ nữ với tác giả cuốn sách cũng quan trọng. Tôi mong rằng các hoạt động được tổ chức định kỳ, liên tục và có chủ đề cụ thể”.
“Cái nôi” hình thành thói quen đọc sách
Cuộc sống hiện đại có rất nhiều trò chơi giải trí thu hút giới trẻ, còn ba mẹ cũng bận rộn với công việc, lo toan cuộc sống. Vì vậy, việc ngồi kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách là điều khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, rèn cho con thói quen đọc sách từ sớm được coi là một trong những “chìa khóa vàng” giúp các bậc cha mẹ hiện đại nuôi dạy con tốt hơn. Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình phát triển bản thân sự khác biệt giữa một đứa trẻ có đọc sách và không đọc sách khác nhau rất rõ. Vì vậy, sớm nhận ra vai trò của việc đọc sách cũng như dành thời gian, công sức để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình cũng chính là góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thư viện lưu động phục vụ học sinh Trường tiểu học Thuận Phú, huyện Đồng Phú
“Việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thời gian tới đòi hỏi phải được thực hiện cả bề rộng lẫn chiều sâu và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Bình Phước sẽ tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm như hoàn thiện thiết chế thư viện theo Luật Thư viện; đồng bộ hóa hệ thống thông tin thư viện, có sự liên kết thông tin giữa cấp huyện và cấp tỉnh, giữa các thư viện cấp tỉnh với thư viện quốc gia. Đặc biệt, nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác thư viện, nhất là chuyên sâu về công nghệ số để đáp ứng tình hình mới”. Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Phước VŨ NGỌC BÍCH |
Em Nguyễn Thảo Linh ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long có mẹ là giáo viên dạy Văn nên từ lúc nhỏ đã được rèn thói quen đọc sách. Thảo Linh đọc khá nhiều sách, trong đó có những cuốn sách dày như Búp sen xanh, Hoàng tử bé, Hai vạn dặm dưới biển… Rèn cho con thói quen đọc sách, mẹ Thảo Linh còn định hướng con đọc những cuốn sách có nội dung ý nghĩa và phù hợp độ tuổi. Thấy con đọc nhiều sách, khả năng ngôn ngữ dần tiến bộ nên vào thời gian nghỉ hè, mẹ Thảo Linh khuyến khích con sáng tác. Năm 2021, em đã sáng tác “Câu chuyện ở xứ sở thần tiên” về phòng, chống dịch Covid-19 được rất nhiều bạn bè yêu thích. Năm 2022, tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Thảo Linh đoạt giải nhất nội dung chia sẻ cảm nhận cuốn sách hay nhất. Chia sẻ về cách đồng hành với con hình thành và duy trì thói quen đọc sách, chị Trần Thị Hoài Phương cho biết: Ngay từ nhỏ, hằng đêm tôi dành ra 30 phút đọc sách cho con nghe và sau khi đọc xong thì 2 mẹ con cùng trao đổi về nội dung cuốn sách. Ban đầu để con thích thú, tôi chọn sách có tranh, sau này bớt dần; chọn những quyển có nội dung phù hợp tâm lý lứa tuổi của con. Tôi duy trì thói quen tốt này bằng cách làm gương, nhắc con đọc sách, trao đổi về nội dung và mua sách cho con theo định kỳ tháng, quý.
Thiếu nhi đọc sách tại phòng mượn Thư viện tỉnh Bình Phước
Để đưa phong trào văn hóa đọc phát triển hơn nữa, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND về tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ông Vũ Ngọc Bích, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Sắp tới, thư viện sẽ hỗ trợ 16 xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, mỗi xã 2.983 đầu sách các loại và cung cấp tủ sách cho một số vùng sâu, xa, vùng biên giới để nâng cao văn hóa đọc cho các “vùng lõm” này.