Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2023.
Hành trình chinh phục đỉnh cao
Năm 2006, Quảng Ninh chính thức tham gia vào đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và luôn ở những thứ hạng gần như cuối bảng trong những năm đầu… Sau 8 năm, vào năm 2014, tỉnh lần đầu tiên đặt chân vào tốp 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và duy trì vị trí đó đều đặn cho đến nay. Năm 2014 cũng là năm tỉnh hoàn thiện và công bố 7 quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tầm nhìn dài hạn, rõ ràng, công khai, đúng với cam kết trước cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
7 quy hoạch chiến lược được công bố vào năm 2014 đã thực sự là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Quảng Ninh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển KT-XH đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Không chỉ vậy, các quy hoạch chiến lược đó thực sự là nền tảng bền vững đầu tiên cho tỉnh xây dựng thành công môi trường đầu tư ổn định, tạo dựng được niềm tin chắc chắn với các nhà đầu tư chiến lược.
Trên cơ sở của 7 quy hoạch chiến lược do các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới tư vấn, Quảng Ninh đã đặt ra quyết tâm chính trị ở mức cao nhất trong việc thúc đẩy tốc độ phát triển KT-XH nhanh hơn, bền vững hơn, bám sát chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; xây dựng không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.
Kế thừa những yếu tố cốt lõi nhất của 7 quy hoạch chiến lược đã được lập từ sớm, Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023. Quy hoạch đã xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên – Con người – Văn hóa.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn của Quảng Ninh, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhận định: Bất cứ một địa phương nào trên con đường thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần có một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định và có độ tin cậy cao. Và Quảng Ninh, với con số hơn 3,1 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong năm 2023 đã cho thấy điều đó. Các nhà đầu tư có tiềm lực và tên tuổi trên thế giới tìm đến Quảng Ninh và lựa chọn Quảng Ninh trước hết là nhờ sự công khai, minh bạch trong các quy hoạch chiến lược và tầm nhìn dài hạn của tỉnh. Cùng với đó, với những lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế về các cửa khẩu, hạ tầng giao thông đồng bộ cả đường bộ, hàng không, hàng hải… và các KTT, KCN trải dài khắp tỉnh… Quảng Ninh đang là một ưu tiên hàng đầu để lựa chọn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiên trì, bền bỉ, nỗ lực không ngừng
Không chỉ ở tầm vĩ mô với những quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, hành trình trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư của Quảng Ninh còn được ghi dấu ấn bởi sự kiên trì, bền bỉ, nỗ lực không ngừng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hàng loạt biện pháp cải cách mang tính cốt lõi, bền vững, với tư duy lấy người dân làm trung tâm, vì hạnh phúc của nhân dân để tạo nên một thương hiệu Quảng Ninh là “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” đã được tỉnh triển khai và từng bước đem về những thành quả hết sức nổi bật.
Những năm qua, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật… Đồng thời xây dựng đội ngũ CBCCVC luôn đề cao và thực hành văn hoá phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, là bổn phận, trách nhiệm, được dẫn dắt, định hướng, định hình và lan tỏa bởi sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế với tinh thần “5 thật – 6 dám”.
Quảng Ninh hiện là địa phương đầu tiên có các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9-4-2021) về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong nước đưa mục tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đồng thời, xác định nhiệm vụ tiếp tục giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu các chỉ số cải cách hành chính không chỉ là giành điểm số, vị trí cao, mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương. Quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, từ mệnh lệnh sang phục vụ – kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở… cũng là quan điểm được quán triệt và thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua.
Cùng với đó, suốt thời gian qua, Quảng Ninh đã kiên trì nỗ lực, tự lực, tự cường thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược, tạo đột phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, hội nhập phát triển; về chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, đào tạo; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn.
Đặc biệt, sự kiên trì, nỗ lực của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao nhất đó là việc xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành và văn hóa thực thi cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đánh giá về nội dung này, bà Darawan Plaendee, Giám đốc Dự án Công ty TNHH Autoliv Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình thực hiện dự án tại KCN Sông Khoai. Trong đó đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền tỉnh và TX Quảng Yên với chủ đầu tư KCN Sông Khoai trong việc tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, hướng dẫn công ty triển khai các thủ tục pháp lý của dự án. Nhờ sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn nhanh và hiệu quả của tỉnh, dự án của chúng tôi hiện đang nhanh chóng thi công và sẽ sớm hoàn thành, đưa vào vận hành, hứa hẹn sẽ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung công tác của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao đó là việc tỉnh đã mạnh dạn thí điểm, kiên trì áp dụng những mô hình quản trị mới phù hợp thực tiễn phát triển địa phương phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Qua đó tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chia sẻ về nội dung này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: Trong quá trình quản lý, điều hành của Quảng Ninh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương luôn sâu sát, trách nhiệm trong việc lắng nghe các ý kiến, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, tỉnh cũng luôn chủ động, tích cực trong việc đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền; tăng cường tương tác thường xuyên giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp để mở rộng sự kết nối trao đổi thông tin… Nhờ đó, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư dành cho tỉnh luôn không ngừng nâng cao.
Với những nỗ lực bền bỉ, kiên trì, không có điểm kết thúc, Quảng Ninh đang ngày càng chứng tỏ được vị thế và thương hiệu về một điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công. Trong 9 năm liên tiếp (2015-2023) tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Riêng năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc. Quý I/2024, tỉnh vẫn đang giữ vững đà tăng trưởng GRDP đạt 8,79%. Năm 2023, tỉnh đã có bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư với tổng vốn đạt gần 5 tỷ USD. Trong đó, riêng thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD – là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.
Quý I/2024, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 800 triệu USD, đạt 170% kế hoạch thu hút FDI đề ra trong quý I và đạt hơn 28% kế hoạch năm. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…