Bãi biển Cổ Thạch được bao quanh bởi một con đường sỏi kéo dài. Bất kể thủy triều lên, xuống hay sóng gió thế nào, bãi sỏi với hàng triệu viên đủ màu sắc vẫn không hề xê dịch. Theo người dân trong vùng, những viên sỏi hoàn toàn do tạo hóa, nhưng chúng được sắp xếp chỉnh tề như thể có bàn tay con người. Kỳ lạ là vẫn bờ biển đó, nhưng phía Tây Bắc giữa những tảng đá lớn mùa tháng 3 rêu mọc, chỉ cách vài trăm mét sang phía Đông Nam là những viên sỏi lúc nào cũng lấp lánh, nhẵn thín. Sỏi và rêu là điểm nhấn đặc trưng của Cổ Thạch. Rêu ở Cổ Thạch chỉ có khoảng 1 tháng, phủ xanh ngắt toàn bộ bãi đá. Còn những viên sỏi, người dân ở đây nói bảy màu, nhưng nếu tỉ mẩn đếm thì phải lên tới hơn chục màu.
Sỏi và rêu là điểm nhấn đặc trưng ở biển Cổ Thạch – Ảnh nguồn: vov.vn
Ở đây, nếp sống bình dị của một làng chài cổ vẫn còn nguyên. Cổ Thạch chưa có những trò chơi giải trí thường thấy trên các bãi biển khác như chèo thuyền, dù bay, môtô nước ồn ào. Chọn Cổ Thạch là điểm dừng chân nghỉ ngơi, buổi sáng ngắm mặt trời lên trên bãi sỏi, rồi ngắm hoàng hôn ở làng chài, ngâm mình trong làn nước biển; buổi tối đi dạo ở chợ hải sản, hòa vào những câu chuyện của người dân địa phương… thật sự đem lại cảm giác thư thái, yên bình.
Đặc biệt, đến biển Cổ Thạch vào mùa rêu thật sự là một trải nghiệm thú vị, độc đáo. Rêu xanh quẩn quanh bám vào đá thành những tầng muôn hình kỳ lạ, uốn lượn theo từng con sóng vỗ. Những lớp rêu phủ lên bãi đá thông thường sẽ tồn tại khoảng 1 tháng, tối đa là 2 tháng. Màu xanh non mướt, mềm mại, cảm giác như muốn che chở cho những phiến đá chúng đeo bám. Bãi đá với những hình thù kỳ quái được phủ lên màu xanh của rêu, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia về đây sáng tác. Họ gọi đó là mùa “săn” rêu.
Có 2 thời điểm đẹp nhất để du khách “săn” rêu, lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp là lúc bình minh vừa ló dạng và khi hoàng hôn buông xuống. Thời khắc ấy, du khách như lạc vào chốn siêu thực của cảnh quan kỳ ảo tạo bởi không gian của đá, rêu xanh và biển cả mênh mông. Ngoài ra, du khách phải biết chọn thời điểm thủy triều lên hay xuống. Nếu lên quá cao sẽ che mất bãi đá phủ rêu, mà nước quá thấp sẽ khiến rêu trông khô, mất sức sống không còn mượt mà…
Sau khi ngắm biển Cổ Thạch, du khách có thể tham quan chùa Hang được xây dựng cách đây hàng trăm năm, gành Son với những đồi núi được gió biển tạo thành hình thù lạ mắt có màu đỏ nhạt, đồi cát và lăng ông Nam Hải.
Chùa Hang được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX, tọa lạc trên đồi núi Cổ Thạch ở độ cao 64m so với mực nước biển, vừa là địa điểm du lịch đẹp vừa mang màu sắc Phật giáo độc đáo. Chùa Hang là địa điểm không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi đến Cổ Thạch. Còn lăng ông Nam Hải là công trình lịch sử được xây dựng từ thời vua Minh Mạng, qua bao thăng trầm lịch sử vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính của kiến trúc cung đình đặc trưng.
Thanh Trà (t/h)