Tạo việc làm cho lao động tại chỗ
Chế biến hạt điều là một trong những ngành tham gia giải quyết việc làm thiết thực nhất cho lao động khu vực nông thôn. Năm 2024, ngành chế biến hạt điều trong tỉnh tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Chị Cao Thị Lan, công nhân Hợp tác xã thương mại – dịch vụ – nông nghiệp Như Hoàng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng rất hài lòng với công việc đang làm. Theo chị Lan, làm việc ở đây gần nhà, thu nhập khá ổn định, thời gian phù hợp với điều kiện gia đình có con nhỏ như chị.
Năm 2024, ngành điều tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành chế biến hạt điều gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất hoặc thay đổi máy móc để hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm số lượng công nhân lao động. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn ưu tiên bố trí việc làm cho lao động lâu năm, lao động là người địa phương với mức lương ổn định và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động. Ông Ngọc Quang Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất – thương mại – xuất nhập khẩu Ngọc Tuấn, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho biết: “Trang bị thiết bị, máy móc đầy đủ nhưng người lao động vẫn là yếu tố quan trọng để DN phát triển ổn định. Hiện DN đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 công nhân, lao động với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng”.
Xác định việc làm là nhân tố quan trọng trong nâng cao thu nhập và giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ. Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động, phát triển. Chủ tịch UBND phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài Lê Thanh Hoàn cho biết: Trên địa bàn phường hiện có hơn 200 DN, cơ sở sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định. Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân, các DN còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Thu hút hơn 10.000 lao động ngoài tỉnh
Năm 2024, với chính sách mời gọi ưu đãi đầu tư cũng như các chế độ đãi ngộ cho lao động ngoài tỉnh, Bình Phước đã thu hút hơn 10.000 lao động từ các tỉnh, thành phố trên cả nước vào làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Nhờ có nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động về nhà ở, trợ cấp tiền ăn tăng ca, môi trường làm việc thoáng mát, thu nhập ổn định nên sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty KuKa Home Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Xoài III, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài đã thu hút hơn 7.000 công nhân, lao động. Anh Trần Minh Quốc, quản lý nhân sự công ty cho biết: Hiện công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 1.000 công nhân, lao động phổ thông trong và ngoài tỉnh. Các chế độ, chính sách của công ty đầy đủ nên công nhân yên tâm làm việc.
Công ty Ku Ka, khu công nghiệp Đồng Xoài 3 giảỉ quyết việc làm cho hơn 7000 lao động trong và ngoài tỉnh
Bình Phước hiện có 12.782 DN đang hoạt động. Những năm qua, DN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Các nhà máy, DN sản xuất đã đầu tư và đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa. Tuy nhiên, trong đa số ngành nghề sản xuất thì người lao động vẫn là nhân tố chủ lực để tạo ra sản phẩm. Do vậy, việc đẩy mạnh giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động là nhân tố quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN vừa ổn định cuộc sống cho lực lượng lao động.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Mai Hương cho biết: Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt hơn, ngành lao động – thương binh và xã hội tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu người sử dụng lao động để tổ chức các lớp học phù hợp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp lao động nông thôn nắm bắt tốt kiến thức được đào tạo để áp dụng hiệu quả vào thực tế, từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Lãnh đạo phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài khảo sát tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn phường
Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút các cơ sở giáo dục, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, có sự kết hợp giữa 3 bên gồm: cơ sở dạy nghề – người lao động – DN. Từ đó, đảm bảo nguồn lao động có tay nghề cao phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các DN trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, Bình Phước đã giải quyết việc làm cho 47.741/43.000 lao động, đạt 111,03% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67/67%, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội là 42/42%, đạt 100%. Số tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 28.093/20.000 người, đạt 140% kế hoạch. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 241/100 người, đạt 241% kế hoạch. Tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 22.744 lao động, đạt 142,1% kế hoạch… |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167074/day-manh-lien-ket-dam-bao-viec-lam