Bất chấp có hay không mã số vùng trồng
Vụ mùa năm ngoái, 3 ha sầu riêng 8 năm tuổi của hộ ông Hoàng Văn Thơ ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng cho thu 30 tấn trái. Bước vào vụ mùa năm nay, vườn sầu riêng của ông gặp đại hạn. Thiếu nước tưới dẫn đến 40 cây sầu riêng chết khô, những cây còn lại rụng trái hàng loạt khiến năng suất vườn cây giảm từ 30-40% so với vụ mùa năm ngoái. Chỉ về cây sầu riêng đã rụng trơ trọi trái, ông Thơ cho biết: “Tôi đã bỏ 40 triệu đồng để vét ao nhưng vẫn không đủ nước tưới. Những cây chết tôi đã cưa hết. Không biết vụ này có thu được một nửa so với năm ngoái không”. Ông Thơ là thành viên HTX sầu riêng Long Phú, huyện Phú Riềng.
Ông Hoàng Văn Thơ với vườn sầu riêng bị rụng do ảnh hưởng nắng hạn trong mùa khô 2023-3024
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho 7 ha sầu riêng, những năm qua, ông Nguyễn Hữu Năm đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đào ao rộng hơn 1 sào đất. Thế nhưng mùa khô năm nay, nguồn nước trong ao của gia đình ông cũng trơ đáy khiến năng suất vườn sầu riêng 7 ha giảm hơn 20%. Tỷ lệ trái bị thiếu hộc, méo mó tăng cao khiến chất lượng giảm so với vụ mùa năm trước.
Mua khô vừa qua, ông Nguyễn Hữu Năm đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đào ao lấy nước tưới cho vườn sầu riêng nhưng vẫn không đủ khiến năng suất vườn cây ước giảm hơn 30%
Ông Năm là Giám đốc HTX sầu riêng Long Phú. Năm 2023, HTX có 14 thành viên với tổng diện tích gần 40 ha đang trong thời kỳ kinh doanh đã được cấp mã số vùng trồng. Do ảnh hưởng của nắng hạn, năng suất sầu riêng của HTX giảm từ 30-40%. Vụ mùa năm nay, HTX sầu riêng Long Phú chỉ còn 8 thành viên với tổng diện tích 28,5 ha. Một trong những nguyên nhân khiến số thành viên HTX giảm là do không tìm được tiếng nói chung trong việc tiêu thụ. Đầu mùa năm ngoái, các thành viên HTX bán đợt đầu với giá 90.000 đồng/kg nhờ có mã số vùng trồng. Thế nhưng đợt thứ 2, thương lái chỉ mua với giá 65.000 đồng/kg, không phân biệt sầu riêng có mã số hay không có mã số vùng trồng.
“Thương lái, doanh nghiệp thu mua sầu riêng có đề cập gì đến mã số vùng trồng đâu. Trong hay ngoài HTX, có mã số hay không có mã số vùng trồng đều một giá như nhau. Nếu cứ thu mua tự do không ai kiểm soát mã số vùng trồng như thế này thì nguy cơ các thành viên của HTX sẽ tan rã hết”. |
Giám đốc HTX sầu riêng Long Phú NGUYỄN HỮU NĂM dự báo |
Nỗi buồn mã số vùng trồng
Hơn 25 năm gắn bó với cây sầu riêng, nhà nông Trần A Sám là một trong những thành viên của HTX cây ăn trái Nông Thành Phát ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng. Đây cũng là một trong 7 HTX trồng sầu riêng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng. Thế nhưng giá sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cũng như sầu riêng không có mã số vùng trồng. “Từ năm ngoái đến nay, người mua sầu riêng có nói gì đến mã số đâu. Họ đến xem vườn cây, tùy chất lượng, mẫu mã trái thế nào thì mua thế đó. Thuận mua vừa bán, không thì thôi. Thậm chí vườn nhà tôi giá còn thấp hơn năm ngoái do ảnh hưởng nắng hạn nên trái không đầy hộc” – nhà nông Trần A Sám chia sẻ.
Các thương lái thu mua sầu riêng không cần mã số vùng trồng tại thôn Đắk Wí, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng
Mặc dù đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022 nhưng 5 ha sầu riêng của ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH TM-DV-SX MTV Quốc Khánh vẫn bán trôi nổi theo giá thị trường do thương lái đưa ra
5 ha sầu riêng của nhà nông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 6, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng năm nay đã 25 năm tuổi. Vườn cây này là một trong 78 ha sầu riêng thuộc Công ty TNHH MTV TM-DV-SX Quốc Khánh được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022. Để có được mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chi phí canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP cũng cao hơn nhiều so với quy trình canh tác thông thường. Thế nhưng khi bán ra thị trường, trái sầu riêng được canh tác theo quy chuẩn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng như trái sầu riêng không tuân thủ bất kỳ quy trình kỹ thuật canh tác nào. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả nhà vườn lẫn HTX có quy trình canh tác nông nghiệp bền vững, minh bạch thông tin trong sản xuất.
Nhân công thu hoạch sầu riêng được cấp mã số vùng trồng thuộc Công ty TNHH MTV TM-DV-SX Quốc Khánh
Ông Trương Văn Đảo, Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Nghé, thị xã Phước Long với giống sầu riêng mới được cấp mã số vùng trồng nhưng vẫn bán theo giá thị trường như bao loại sầu riêng khác
Hơn 30 năm gắn bó với cây sầu riêng, Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo cho biết: “Tôi muốn ký xác nhận số lượng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng cho các thành viên HTX lắm chứ! Thế nhưng từ khi được cấp mã số vùng trồng năm 2022 đến nay, tôi chưa thấy ai đến yêu cầu điều này”.
“7, 8 năm nay tôi làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Diện tích sầu riêng của gia đình tôi được cấp mã số vùng trồng đầu tiên trên địa bàn tỉnh sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, mấy năm nay người mua có hỏi đến mã số vùng trồng đâu. Điều này ảnh hưởng đến diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng lắm”. |
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV TM-DV-SX Quốc Khánh, huyện Bù Đăng |
Đừng để mã số có như không
Để có được Nghị định thư xuất khẩu trái sầu riêng tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải mất hơn 4 năm đàm phán về quy trình sản xuất cho đến các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đó, người trồng sầu riêng phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Trước khi cấp mã số vùng trồng, phía đối tác còn kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến tại vườn nếu hội đủ yếu tố kỹ thuật mới được cấp mã số vùng trồng. Ngay cả khi được cấp mã số, nếu không đảm bảo yêu cầu về quy trình canh tác, không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị thu hồi mã số.
Để có được 65 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích hơn 2.412 ha như hiện nay, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, việc thu mua sầu riêng có mã số vùng trồng chưa được thương lái hoặc doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch quan tâm. Trái sầu riêng được cấp mã số vùng trồng hay không được cấp mã số đến tay người tiêu dùng thông qua thương lái đều có giá như nhau làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, chi của người sản xuất. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng người dân, HTX không còn mặn mà với việc có mã số vùng trồng hay không. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quản lý mã số vùng trồng một cách hiệu quả, thiết thực. Bởi mã số vùng trồng vừa là giấy thông hành để đưa nông sản ra thị trường quốc tế, vừa bảo đảm quyền lợi cho những nhà nông làm ăn chân chính, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp minh bạch thông tin, đảm bảo tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế để phát triển bền vững chuỗi ngành hàng sầu riêng của Việt Nam cho cả hiện tại và tương lai.